có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 12 20, 2010

Bài thơ huyền thoại của Hoàng Trúc Ly


Hoàng Trúc Ly


Trong số bằng hữu văn nghệ từ thuở thiếu thời, Hoàng Trúc Ly đối với tôi là người bạn thân thiết trên nhiều phương diện, trong có việc làm nhật báo, tuần báo, và các tạp chí văn chương.

Thân không có nghĩa là biết về nhau rành rọt nhiều thứ, ngay đến tên thật, ngày sinh tháng đẻ, cũng chẳng bao giờ hỏi han cho kỹ, song đến khi bạn từ trần, người làm báo cần biết cái chết của bạn ra sao đã đành, mà đã là bạn, thì càng cần hỏi cho kỹ hơn nữa. Nghe nói thi sĩ ra đi vào một năm '80, không biết đích xác năm nào. Bạn bè từ Việt Nam qua, khi gặp, mỗi người nói một cách khác nhau. Nhưng hình như đó là vào khoảng cuối năm.

Trên một cái phong bì màu vàng, tôi ghi mấy dòng chữ: Hoàng Trúc Ly (1937-198...)

Ngay dòng này đã có nhiều chi tiết phải kiểm lại. Phía dưới là những dòng viết vội bằng bút chì: “VDL: Ðứng trước Cercle Sportif (Câu Lạc Bộ Lao Ðộng), giữ quần áo. Xe cán chết (rượu cất nước mía, đế hạng bét, đại khái thế - cuối '70.) Phan Nghị. Văn Quang. Kim Tuấn.”

Như vậy là những ghi chép này được viết vội xuống giấy trong khi tôi nói chuyện qua điện thoại với nhà thơ Vương Ðức Lệ. Lúc ấy anh mới từ Việt Nam qua Mỹ qua dạng đoàn tụ gia đình, hay cũng có thể là H.O., vì anh từng là trưởng Ðài Phát Thanh và trong tết Mậu Thân khi VC tấn công đài, anh đã bị một viên đạn AK47 bắn bay một con mắt. Từ đấy chúng tôi gọi anh là Tướng Ðộc Nhãn (như ông tướng một mắt của Do Thái). Theo ghi chép diễn ra bằng câu cú đầy đủ thì vào cuối thập niên '70, trong những ngày miền Nam đói kém kéo dài từ sau tháng 4, 1975, Hoàng Trúc Ly làm việc giữ quần áo tại Câu Lạc Bộ Lao Ðộng, có tên cũ là Câu Lạc Bộ Thể Thao (Cercle Sportif) tại đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn. Tai nạn xảy ra vào lúc chàng mới uống loại rượu đế hạng bét, tức là loại cất bằng nước mía, bằng một thể các dân dã thô sơ nào đó. Rượu mía ra sao thì bạn chàng không thể tả được. “Ðại khái thế,” lời Vương Ðức Lệ, có thể hiểu đó chưa chắc đã là rượu mía, có khi là rượu “methanol” gì đó, nhưng rượu gì thì cũng có nghĩa là làm cho người uống có hơi nóng bốc lên chếnh choáng. Về tên ba nhà văn ghi ở dưới có nghĩa là nếu muốn biết nhiều hơn (về cái chết của Hoàng Trúc Ly) thì hãy hỏi họ. Chưa kịp hỏi thì nhà báo Phan Nghị, nhà thơ Kim Tuấn đã đi gặp Hoàng Trúc Ly rồi, còn nhà văn Văn Quang mới dọn nhà từ Sài Gòn lên Lộc Ninh, chưa bắt liên lạc lại. (Mới đây chúng tôi nói đủ thứ chuyện, mà lại quên hỏi chuyện cần hỏi.)

Từ năm 1959, Thái Bạch viết trong cuốn Thi Nhân Việt Nam Hiện Ðại: “Thi sĩ Hoàng Trúc Ly chính tên Ðinh-Ðắc-Nghĩa sinh năm 1933 tại Ðà Nẵng (Trung Việt).” Võ Phiến trong Văn Học Miền Nam-Tổng Quan, ghi: “Hoàng Trúc Ly tên Ðinh Ðắc Vị. Sinh ngày 28 tháng 6, 1937 tại Ðà Nẵng. Chính quán tại Huế. Mất ở Sài Gòn năm 1985.” Trần T.Ð. Ðàn trong cuốn báo cáo có tính công an hình sự ghi theo Thái Bạch. Trước 75 Thái Bạch sống tại Sài Gòn; sau 75 lộ diện là Việt Cộng nằm vùng; như thế tài liệu của họ có nhiều phần ghi theo lý lịch giấy tờ, hơn là theo lối văn nghệ, tin nhau mà viết. Nguyễn Thụy Long trong bài “Hoàng Trúc Ly - hàng chục ly” lại viết Ly là người làng Quỳnh Lưu, Nghệ An; anh ghi rõ: ghi theo một bạn tù tự nhận là người cùng làng với Hoàng Trúc Ly. Như thế từ tên tuổi thật, ngày sinh tháng đẻ năm sinh năm mất của thi sĩ ở đây đều không đâu đúng với đâu. Hoàng Trúc Ly người Nghệ An, nghe thì mới mẻ, nhưng cũng không có vấn đề gì. Giáo Sư Hà Văn Tấn, viện trưởng Viện Khảo Cổ Học, trong cuốn sách “Theo dấu các nền văn hóa cổ,” còn viết Kinh Dương Vương người Nghệ An, sinh ra Lạc Long Quân “ở vùng khu bốn cũ,” (tránh chữ Nghệ An nghe ra vẻ khách quan), được cha cử ra trị vì (hành tại) ở Ngã Ba Hạc, Việt Trì, lấy Âu Cơ làm vợ lẽ; thế thì ông bạn tù của Nguyễn Thụy Long có nhận Hoàng Trúc Ly người làng mình thì có gì lạ đâu. Ông chỉ kể chuyện giai thoại làng viết hoặc nói chuyện bá láp theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà thôi.

Trong bài thơ nhan đề “Môi Giới,” Hoàng Trúc Ly viết:

Xin mời em chối bỏ tên anh
Vì tên em là cuộc đời
Ba. Bảy. Năm. Sáu. Tám.
Hai. Bốn. Chín. Mười. Mười.
Con số có tên kiếp người có tuổi.

Ðã biết con số có tên, kiếp người có tuổi. Là có lý lắm. Thế mà tên tuổi số mạng lại lung tung, biết làm sao bây giờ.


Tháng 1, 1973, vào dịp giỗ đầu nhà văn Tam Ích, Hoàng Trúc Ly hiện ra trong khung cửa nhà in Phúc Hưng ở số 51/51B đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn, nơi đặt tòa soạn tạp chí Thời Tập. Lúc nào khuôn mặt đó cũng rạng rỡ miệng cười. Cho dù khóe mắt không vui. Một miệng cười rộng, không thể tả là nụ. Ly đưa tôi tờ giấy nét chữ rất lớn. Nhác trông là một bài thơ. Lời Khắc Trên Mộ Bia.

-Kỳ vậy?

-Tao làm bài thơ này như như là lời khắc trên mộ bia của tao vậy.

Bài thơ khiến người đọc không yên lòng lắm. Trong bài thơ có câu: Tự xem đã chết, ngay trong cuộc sống. Ngày anh tự xem mình đã chết là một ngày nào đó trong năm 1970.

Lời Khắc Trên Mộ Bia
Nơi đây an nghỉ
Hoàng Trúc Ly
Năm sinh: ngàn chín ba bảy
Năm chết: Ngàn chín bảy mươi.
Chân không bước hồn đi về đất
Chết không già là chết rất tươi.

Ðến sau này, khi nghe tin Ly chết, qua lời kể của Vuong Ðức Lệ như đã viết ở đầu bài: “Ðúng trước câu lạc bộ, xe cán chết.” Tôi thấy lạ thường. Ly có bước đâu. Ly đang đứng mà. Hơn mười năm trước đó Ly đã viết: “Chân không bước hồn đi về đất.” Ly biết trước mình sẽ chết như thế nào. Và Ly rất vui vẻ: “Chết không già là chết rất tươi.”


Viên Linh
(Rút trong Hồi Ký Văn Học, chưa hoàn tất)


(http://www.nguoi-viet.com)