có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 12 05, 2007

Hà Nội – Sài Gòn – Westminster, những nẻo đường Tạ Tỵ


Tạ Tỵ

Một buổi sáng Cali đầy nắng. Trời trong xanh đến thẳm cao, bát ngát. Những cơn gió từ phía biển thổi về, lướt trên khu parking lot rộng khắp, xào xạc hàng cây. Con đường ồn ào rộn rịp của ngày cuối tuần ngoài kia cuồn cuộn dòng nhân sinh, bất tuyệt. Ở trong này, nắng vàng tươi óng ả trên những bìa sách. Một cuộc ra mắt sách lạ lùng đơn giản nhưng nhiều ấn tượng. Không có diễn văn khen tặng, không có chương trình phụ diễn ca nhạc và cũng chẳng có những lệ luật khách sáo mệt mỏi. Ở đây, chỉ có những hàng người xếp hàng mua sách. Một lão trượng tóc bạc phơ, cây gậy già bên cạnh, nụ cười đôn hậu, ánh mắt tươi trẻ reo vui, ký tên trên những trang sách mở đầu cho một tác phẩm. Tuyển Tập Tạ Tỵ.

Những chặng đường đi qua. Hơn nửa thế kỷ miệt mài cùng bút mực cọ sơn. Một họa sĩ có những họa phẩm mà theo một người buôn bán tranh ở Việt Nam đã được liệt vào hàng tài sản quốc gia và cấm không được mang ra khỏi nước. Một nhà văn đã có mặt từ những ngày Thế Kỷ, Đời Mới ngày xưa có hàng chục tác phẩm giá trị. Một nhà thơ của những ngày Hà Nội, của bài hát ‘Thương về 5 cửa ô xưa” mà tới bây giờ còn làm chết lặng lòng những người xa xứ.

Ơi những phương trời. Quê nội. Quê ngoại. Hà Nội. Saigòn. Westminster. Những thành phố của chia lìa và tụ hội. Rồi trại cải tạo và đảo tạm dung. Xứ người lưu lạc và quê hương biệt khuất. Những nỗi niềm phảng phất trong cảnh, trong người. Trong "Tuyển Tập Tạ Tỵ” tràn đầy phong vị của một cuộc đời đầy biến cố và sóng gió nhưng yêu văn chương nghệ thuật vô hạn.

Ít có ai, ở tuổi tám mươi lại tận tụy với chữ nghĩa như thế. Yêu đời cũng như yêu nghệ thuật, dù cuộc nhân sinh này chỉ là một trò chơi. Trang sách mở ra tác phẩm của một đời người mà có thể đại diện cho một thế hệ phải chịu nhiều máu lửa và mất mát. Bao nhiêu là biến cố. Những bước chân khắp nơi dường như đo cả chiều dài đất nước Việt Nam. Kháng chiến, về Thành, nhập ngũ, vào tù, vượt biển, những thời kỳ khó quên cho một tâm hồn nhiều cảm lụy. Ghi chép lại những chờ với đợi ở trại tạm dung, cũng như những căm uất nghẹn ngào ngày cải tạo, văn chương hiện hữu từng dòng từng chữ. bây giờ, đọc lại sao nghe có âm vọng của con hổ về già tưởng tượng cảnh sơn lâm rừng sâu rú cả thuở xa xưa.

Tạ Tỵ, thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ, người đã cống hiến cho đới những tác phẩm tim óc. Một nhát cọ, mở ra những khung trời và những phận người. Một trang sách là tâm sự khôn nguôi, là cơn mưa quê nhà tha thiết, là ngọn gió bấc xứ người nhắc nhở thân phận tha hương. Ở tuổi tám mươi, sao trong ánh mắt nụ cười vẫn còn một thời thanh xuân trai trẻ. Những bức tranh, những cuốn sách có phải là tặng vật để lại cho đời?

Tôi nhớ những bài thơ Tạ Tỵ về Hà Nội. Lúc ấy, tôi còn quá nhỏ để có một hồi tưởng về thành phố ấy. Nhưng thơ thì man mác gợi lại một thời kỳ quá khứ. Tôi tưởng tượng tình cảnh một chàng trai trẻ giã từ thành phố thân yêu, một ngày có ngọn gió bấc xót xa. Đất nước chia đôi, biết ngày nào trở lại. Bài hát phổ nhạc từ thơ Tạ Tỵ "Thương về 5 cửa ô xưa" sao tới bây giờ nghe lại vẫn còn tràn cảm xúc. Ngưa Hồ ngóng gió bấc, tiếng hí sao não lòng. Tâm sự của cách xa nhưng vẫn đợi ngày trùng lai hội ngộ. "Những Con Đường Hà Nội”:


“Ôi, Hà Nội ôi những con đường cũ 
Đâu hàng Bông hàng Trống với hàng Khay 
Đâu hàng Đào khoe nõn những bàn tay 
Những đôi mắt nhìn nhau sầu ly cách. 
Nước Hồ Gươm còn xanh màu cẩm thạch? 
Tà áo ai còn đẹp buổi hoàng hôn. 
Nhớ thương xưa nhạt nắng những khung tường 
Nghiêng nghiêng xuống măt hồ soi bóng nước 
Những con đường 
Những con đường năm trước. 
Của ngày xưa xa lắm Hà Nội ơi 
Đêm nay về ngự trị giữa lòng tôi 
Đêm nay về với 5 cửa ô nghẽn lối. 
Thao thức mãi từng canh gà báo vội 
Rạng đông nào gối lệch tóc đêm sâu 
Ở ngoài kia bóng tối đã phai mầu !"


Thơ tha thiết quá cho một tấm lòng, có phải ? trong cơn lốc thời thế, những lớp văn nghệ sĩ trạc tuổi nhà văn Tạ Tỵ đã phải chịu nhiêù cảnh bể dâu. Ở bên này hay bên kia, không từ chối được để đi vào con đường định mệnh của mình. Dù dấn thân hay làm một người chứng bất đắc dĩ, lịch sử vẫn là những chuỗi biến cố kinh khiếp mà một đời người cam chịu. Thơ nói chưa đủ, Tạ Tỵ còn dùng văn xuôi để vẽ lên một xã hội trong thời chiến tranh ly loạn.

Đọc những trang nửa tùy bút nửa ký sự, ”Xóm cũ”, ”Trên những nẻo đường Saigòn", tự nhiên bùi ngùi với Saigòn vàng, Saigòn đỏ. Từ lúc rời quê hương vào Nam ông đã yên trí rằng sẽ sinh sống ở đó đến hết cuộc đời. Thành phố là một phần máu xương tủy não của đời sống ông. Nơi chốn ấy, có mái ấm gia đình. Có bạn bè bằng hữu. Có những ngày tháng miệt mài chuyện văn chương. Có những ngày triển lãm tranh đông vui. Có những cuối tuần Brodard, Pagode đủ mặt quần hùng. Có những tối đèn vàng đèn xanh rực rỡ sắc mầu. Nơi chốn ấy, những cuốn sách tạo thành, những bức tranh hiển lộng. Văn xuôi : "Những viên sỏi ", "Yêu và thù", "Bao giờ ", "Ý Nghĩ”. Thơ : "Cho cuộc đời” . Nhận định văn học "Mười khuôn mặt văn nghệ ", "Phạm Duy còn đó nỗi buồn”, "Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay ". Rồi Đời Mới, Sáng Tạo, Bách Khoa, Văn, Hiện Đại,... những tạp chí văn học lừng lẫy một thời ghi lại tâm tình của một người cầm bút lúc nào cũng hừng hực lửa sáng tạo mang tên Tạ Tỵ.

Nhưng sau ngày tháng tư năm 1975, thành phố đổi chủ. Saigòn đỏ. Saigòn tang thương. Cảnh tan đàn lạc nghé. Sĩ quan viên chức, văn nghệ sĩ vào "Đáy Địa Ngục ", trôi nổi từ chốn ngạ quỷ này đến nơi đầy đọa khác. Có ai mong được ngày trở về khi một chế độ đã sẵn sàng một chính sách tận diệt đến cùng những người thuộc chế độ cũ. Thế mà, ở trong tù ngục vẫn có tâm hồn vượt thoát hàng rào trại tù để vươn tới khoảng trời xanh bao la, nơi mây trắng thong dong để quên đi mắt thù chăm chăm và nỗi đói khổ vầy vọc mỗi ngày. Có lúc thơ văn là cây gậy chống để qua đi những gai lửa ngặt nghèo của cuộc sống.

Khi trở về nơi chốn cũ, ngậm ngùi với bao biến đổi. Hết rồi, cam gác bút. Những bằng hữu văn chương chia nhau những ngày lơ láo. Những tâm sự chất chồng. Những ngày chờ đợi bị công an rình mò làm việc. Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đình Toàn, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Lê ngộ Châu, Duy Trác, Thế Uyên, Hoàng Hải Thủy, Nhã Ca,... cuốn trong cơn lốc, tan tác mịt mùng. Họ chia sẻ đắng cay với nhau, nhưng vẫn khôn nguôi hy vọng. những trang sách mở ra những trao gửi những nỗi niềm. Người sau đọc lại sẽ thấy được tình cảnh của những người bị lưu đầy trên chính quê hương mình. Mà những người ở phía Bắc cũng không hơn. Những Nguyễn Sáng, Hoang Lập Ngôn, Lê Quốc Lộc,.. cũng mang mang uất hận với tâm sự nghẹn ngào chẳng thốt thành lời.

Trong ký ức hội họa, còn lại những chân dung nhiều tác giả. phác họa lại những khuôn dáng lừng lẫy một thời. Mai Thảo, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Duy, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Hoàng Anh Tuấn, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Đình Toàn, Bình Nguyên Lộc,... kẻ còn người mất nhưng với văn chương nghệ thuật vẫn còn tồn tại trong hoài hoài trí nhớ. Khuôn bố và cây cọ dưới bàn tay Tạ Tỵ đã thành những tác phẩm để lại cho đời.

Dù đã sang định cư xứ người, hình như ông vẫn còn vấn vương với hình bóng cũ. ”Saigòn hiện hữu trong tôi. một Saigòn bệnh hoạn xanh xao. Mỗi thước đường, mỗi gốc cây, đối với tôi hình như xa lạ. Tôi nhìn Saigòn bằng đôi măý vừa giận vừa thương! Saigon đó vẫn ngần ấy thước khối bê tông và thép, vẫn ngần ấy đại lộ, vẫn ngần ấy con hẻm và ngần ất mái tôn lẫn khuất đây đó! Tôi đã sống những giờ phút vô cùng trống rỗng, tưởng như lạc vào một khung cảnh xa lạ không thuộc về mình...” Bây giờ, đã xa vời vô cùng, của lãnh địa nào xa khuất mịt mờ nhưng chẳng thể lãng quên. Đó là một phần chân tay da thịt của một người làm nghệ thuật.

Một đời người trải qua. Vượt biển, đến trại đảo, ngẩn ngơ chờ với đợi. Sungei Besi, ngày tháng nhạt nhòa. Escondido, những ngày bắt đầu xứ lạ. Ngổn ngang trăm mối. Bước đường ai cũng phải đi qua.

“Tôi đi dưới cái nắng của vùng trời Escondido mà cứ ngỡ mình đi dưới cái nắng vàng ấm của quê nhà. Mỗi ngày qua đi tại cái thành phố bé nhõ này như qua đi một cái gì nuối tiếc! Trong những ngày giờ đầu, tôi sống giữa cái không khí không thuộc về mình, nhiều khi nó làm tâm hồn tôi choáng váng, hoảng hốt hình như nửa muốn níu kéo, nửa muốn bứt rời!..”

Hơn nửa thế kỷ cầm bút, cầm cọ, Tạ Tỵ đã để lại những gì cho đời sau? Trả lời câu hỏi ấy chẳng cần phải là nhà nghiên cứu phê bình hội họa hay văn chương mà chỉ là một độc giả bình thường như tôi cũng rất dễ dàng. Hiển nhiên, từ những bài thơ, những truyện ngắn. Rõ ràng, từ những ký sự. Nổi bật, từ những họa phẩm. "Đáy Địa Ngục” của chứng nhân cơn hồng thủy. "Thương về 5 cửa ô xưa” câu thơ và câu hát của một thời... Buổi sáng hôm nay, trời đất dường như có gì khác lạ. Có một cái gì phảng phất. Đời người rồi sẽ chóng qua. Nhưng với văn chương có những điều sẽ thành miên viễn. Và như vậy không bao giờ tôi quên. Hình ảnh một lão trượng ngòi bút lướt trên trang giấy đầu tiên của cuốn sách. Mái tóc bạc phơ. Nụ cười thân ái. Ánh mắt hiền hòa. Của một buổi ra mắt sách đặc biệt.

Thân tặng cho đời. Tuyển Tập Tạ Tỵ.


Nguyễn Mạnh Trinh