có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 12 23, 2010

Nhà thơ Hà Thượng Nhân, 70 năm cùng vần điệu




Trưa Chủ Nhật 19 tháng 12, 2010 thi phẩm “Thơ Hà Thượng Nhân” được chính thức phát hành tại San Jose. Ở tuổi 90, cuộc sinh hoạt thi ca đó như một buổi lễ đại thọ mà hậu thế tới để chúc mừng ông, còn thơ ông không cần phải giới thiệu nữa.

Họ chính thức trên giấy tờ của ông là họ Phạm; họ khai sinh của ông là họ Hoàng, còn Hà Thượng Nhân là bút hiệu phổ thông nhất của con người có nhiều danh tính truyền tụng, song điều ấy không lạ trong một đất nước chiến tranh và chia cắt suốt hai mươi năm; và trước đó mười năm nữa, từ Liên khu Tư qua vùng Tề, ngược đường kháng chiến 1945 tới Hà Nội hồi cư, rồi từ Hà Nội vào miền Nam, cuộc đời ông trải qua vô số những thăng trầm, chứng kiến những đổ vỡ và xây dựng ngay ở trung tâm, để thấy rằng “Ðền đài miếu vũ ba trò hão” (Tự Thuật). Dáng người thẳng băng, lưng dài vai rộng, giọng ông lớn, tiếng ông khỏe, ý kiến ông đưa ra thường là độc lập, dứt khoát, không ở cái khoảng nửa tối nửa sáng bao giờ. Ông tham dự vào nhiều vận động khởi đầu của nhiều công tác văn hóa, hay văn hóa chính trị. Khi trẻ thì dạy học trường Dũng Lạc ở Hà Nội, rồi dạy Trường Ðạo Vinh Sơn của Linh Mục Mai, hình như ở Bắc Ninh. Trong Kháng Chiến bị trưng dụng dạy Trường Thiếu Sinh Quân ở Liên Khu Tư, học trò sau này được biết đến là những Nguyễn Văn Ngân, (phụ tá Tổng Thống Thiệu), nhà thơ Phùng Quán, nhạc sĩ Y Vân, và tham dự Ðại hội Văn Hóa Văn Nghệ ở Thanh Hóa với Hữu Loan, Trương Tửu, thời Tướng Nguyễn Sơn làm Tư Lệnh Quân Khu. Ông cũng góp phần rất nhiều trong sự thành lập các cơ cấu Chiến tranh Chính trị của miền Nam, khi “Nha” Chiến tranh Tâm lý mới vỏn vẹn chỉ có mười sáu nhân mạng. Thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, khoảng 1963, ông làm Giám đốc Ðài Phát Thanh Quốc Gia. Trong sinh hoạt Văn Hóa miền Nam, ông được Phủ Quốc vụ khanh Văn Hóa mời làm giám khảo bộ môn Thơ của Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc, cùng với các thi sĩ như Vũ Hoàng Chương, Cao Tiêu, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền.

Khoảng 1969, khi người viết bài này đang làm Thư ký Tòa soạn Nhật báo Tiền Tuyến - tờ nhật báo duy nhất của QLVNCH - thì nghe tin Thiếu tá Chủ nhiệm Lê Ðình Thạch sắp được thay thế. Tân chủ nhiệm được biết là Thiếu tá, sau Trung tá, Phạm Xuân Ninh, nhưng cái tên ấy chỉ thấy trên giấy tờ, người ta quen gọi ông là Hà Thượng Nhân, hay Hà Chưởng-môn hơn. Tôi được làm việc với ông cho tới 1972; thời gian không nhiều nhưng cũng không ít, để biết nhiều hơn về ông. Biết một cách tự nhiên, và không vì mục đích gì. Ngược lại, ông cũng thấy gì đó nơi tôi, nên trong năm 1971, khi Chủ nhiệm và Chủ bút Nhật báo Tiền Tuyến cùng đi công du các nước Á Châu, người qua Ðại Hàn, người tới Ðài Loan, tôi nhận được Sự vụ lệnh làm Quyền chủ nhiệm, kiêm Quyền chủ bút Tiền Tuyến, thay hai ông trong khoảng hơn hai tuần lễ, mặc dù Bộ Biên tập cơ hữu lúc đó còn có năm sĩ quan từ Ðại úy tới Trung úy, (trong có Dzư Văn Tâm (Thanh Tâm Tuyền), Huy Vân, Lê Tất Ðiều... và hai dàn chữ Typo hơn 30 thợ sắp chữ, thợ đúc, các anh hùng hảo hán của giang sơn các “nhà chữ” rất dữ dội của thế giới in ấn Sài Gòn.

Nhà thơ Hà Thượng Nhân tên thật là Hoàng Trinh, cũng có nơi viết là Nguyễn Sỹ Trinh, người làng Hà Thượng, huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa, bạn học thuở thiếu thời của Hữu Loan, tuy nhà thơ này người huyện Nga Sơn cạnh đó, và lớn hơn ông vài tuổi. Hữu Loan cũng dạy Trường Thiếu Sinh Quân với ông. Ông sinh năm 1920, trưởng thành đi kháng chiến, làm thơ, đi dạy, mãi 1952 mới trở lại vùng Tề (vùng do Quốc gia và Pháp kiểm soát). Lúc ở Hà Nội ông đã có một bài thơ chữ Nho nổi tiếng, được Giám đốc Nha Học Chính Bắc Việt là Phạm Xuân Ðộ mời đến Văn phòng, khen giỏi, và cho biết “Thủ tướng (Nguyễn Văn Tâm, tức nhà thơ Chính Ðạo) khen lắm đó.” Phạm Xuân Ðộ là cậu của một người bạn ông, nhân đó Hoàng Trinh than rằng vừa về Tề, chưa làm sao xin được Thẻ Căn Cước vùng Quốc Gia.

Thấy thế, ông Phạm Xuân Ðộ dẫn nhà thơ đến Sở Công An Hà Nội, nhận là con nuôi, và đặt tên là Phạm Xuân Ninh. Năm 1954, Phạm Xuân Ninh di cư vào Sài Gòn. Một hôm ông vừa từ trên xe buýt bước xuống thì gặp một người quen cũ là [Luật sư] Trần Chánh Thành, nguyên là Giám đốc Tư Pháp Quân Khu IV; ông Thành mời ông tới nhà vào ngày Chủ Nhật. Khi ông tới, đó là một cái villa lớn, nhưng (nguyên Tri huyện) Trần Chánh Thành lại chỉ mời ông ngồi chơi trên một cái ghế bố, ông tức giận bỏ ra về. Sau này, Trần Chánh Thành được mời làm Bộ trưởng, [không còn nhớ là Phủ Thủ tướng hay Bộ Thông Tin], không có kịp một bộ complet, nên đã mượn đồ lớn của ông Ninh mặc ra mắt hôm chính phủ Ngô Ðình Diệm trình diện quốc dân. Trong thời gian đó Phạm Xuân Ninh được trưng dụng nhập ngũ với cấp bậc Ðại úy, sĩ quan trừ bị, bằng một nghị định riêng do Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm ký.

Có người nghĩ tiếng Chưởng-môn hàm ý nhà thơ họ Hà là người đứng đầu một phái nào đó trong bộ môn Thơ, một thi phái nào đó, hay chính là chủ soái của Tao Ðàn miền Nam, song không phải thế.

Trong công cuộc xây dựng thể chế miền Nam, những năm 54-57, nền Cộng Hòa còn phôi thai, nhiều cơ cấu chưa từng có, nhiều cơ sở còn do người Pháp nắm giữ, như Viện Hối Ðoái, như Ðài phát thanh Pháp Á, ngay như Quân đội nữa. Phía Quân Ðội, Ðại úy Phạm Xuân Ninh, ngay khi được phong cấp bậc, phụ trách soạn thảo một tài liệu gọi là Sơ Thảo Lý Thuyết Chiến Tranh Chính Trị. Ông không ký tên thật, mà ký là Hà Thanh, vì thế, sau này, dân Chiến tranh Chính trị gọi ông là “Hà Chưởng-môn.” Ông là Chưởng-môn ngành Chiến tranh Chính trị miền Nam, ngay từ giai đoạn khởi thủy. Khi được thành lập, Nha Chiến tranh Tâm lý đầu tiên chỉ có mười sáu người, do ông Tạ Văn Nho làm giám đốc.

Phần lớn những điều viết ở trên tôi đã tìm thấy trong bản tốc ký ghi chép bằng bút chì trong cuốn lịch để bàn, ngày 8 tháng 10.2001, qua cuộc nói chuyện điện thoại viễn liên với nhà thơ Hà Thượng Nhân. Ông ở San Jose, báo Khởi Hành của tôi ở Santa Ana. Ông đã kể với tôi nhiều điều khi được hỏi; nay viết lại, thế nào cũng có những sai sót. [“Ðến như trời đất cũng sai lầm,” Hà Thượng Nhân, Cũng Phù Vân!]

Từ thời niên thiếu chàng Hoàng Trinh đã nổi tiếng là “bảy bước nên thơ.” Chàng tự hào mình không thua gì Tào Thực. Chính chàng kể:

“Cách đây [1989] gần sáu chục năm [tức là thập niên '30], tôi có dịp diện kiến Kỉnh Chỉ tiên sinh. Tôi nhớ lần đó tôi đi theo các bậc đàn anh đến họp tại nhà cụ Ưng Bình ở Vĩ Dạ [Huế], một đêm rằm Trung Thu. Ði theo chứ không phải được mời. Vì vậy tôi phải nói là đi ‘ké’ mới thật là đúng. “Ðêm ấy cụ Ưng Bình ra đề tài là Trăng thu, nhưng trong bài thơ tuyệt đối không được có chữ Trăng và chữ thu. Tuy chỉ đứng xớ rớ ở cửa, tôi cũng viết và cũng nộp bài như những bậc đàn anh của mình. Không ngờ bài thơ của tôi trúng giải. Khi xướng danh, cụ Ưng Bình và các cụ nhìn xuống thấy một anh học trò tóc cắt ngắn, mặc áo dài thâm khép nép đi lên.

Người liền đọc đùa hai câu thơ:

Trăm mặt thẹn thua chàng tuổi trẻ,
Một bài cũng đủ gọi Thi-ông.

Tôi là thanh niên mới lớn nên không biết đủ lễ độ, vội đáp ngay:

Bảy bước dám thua Tào Thực* trước,
Một lời xin gởi tạ tôn ông.

Cụ Ưng Bình cười và khen là “Chân thiếu niên thi sĩ.” Hà Thượng Nhân làm thơ từ thập niên '30, nhưng lại không thuộc lớp các nhà thơ Tiền Chiến hồi ấy, có lẽ vì ông không gửi thơ đăng trên các tạp chí, không tham dự phong trào thơ mới, và nhất là nguồn cảm hứng của ông gần gũi với thế hệ các thi gia Hán Nho, Ðường luật, hơn là loại thơ với ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn, những tình cảm cá nhân trai gái, những từ ngữ của tỏ tình, của đau thương diễm lệ và vàng úa. Thơ ông luôn luôn là thơ chính khí, hay khẩu khí, và nhắc nhiều tới những nhân vật thời Xuân Thu, những giai nhân tài tử của Thịnh Ðường. Về sau này, nó là thơ thời thế, trong đó Bên Trời Lận Ðận là một điển hình. Có một điều lạ: Họ Hà tỏ ra không coi những bài thơ do mình làm ra là một tài sản cần lưu giữ, ít ra là trong nửa cuộc đời sau. Ông cho thơ đi như cho một bông hoa; tặng thơ cho bạn như mời bạn một ly rượu. Tôi không rõ sự quảng giao của ông làm cho thơ ông lưu truyền rộng, hay sự quảng giao ấy khiến hạn chế sự sáng tạo nơi ông. Bảy thập niên gieo vần, lựa điệu, được cháu nội của Tuy Lý Vương là cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961, thân phụ nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương) khen là “chân thiếu niên thi sĩ,” từ những năm '30 ở Vỹ Dạ, vậy mà thơ Hà Thượng Nhân nay gom lại, không biết có còn được vài trăm bài, trong khi lẽ ra là phải hàng ngàn.

Hà Thượng Nhân là thi sĩ làm thơ theo đạo người quân tử, như đời sống của ông cho thấy. Ông có thể nghiêm khắc với người đồng tuế, nhưng rất bao dung với các lớp sau. Ông lại rất phóng khoáng, vượt ra ngoài khuôn khổ của giáo điều, cốt đạt tới cái đẹp cái thiện cái thật, kể cả cái thực dụng: Làm sao cho được việc, miễn không ra ngoài cái phải đạo (“...chỉ cốt sao đừng tục.” Tự Thuật).

Một thi sĩ như thế thật hiếm hoi trong thời chiến địa phân tranh và ý thức phân tranh của Việt Nam cuối thế kỷ XX, và sang tới đầu thế kỷ này. Ông hẳn cũng cảm thấy cái lẻ loi, đôi khi lạc lõng của mình, và có lúc băn khoăn, đem cái băn khoăn hỏi người đồng điệu:

Muốn hú vía hỏi thăm người cổ,
Ta là Ai? Ai đó là ta?
Canh khuya vẳng tiếng tỳ bà,
Mênh mông dằng dặc bao la đất trời

Ðịnh mở miệng nghẹn lời chẳng nói,
Nói với ai? Bụng đói tay run.
Hỡi ơi! Mực cạn, bút cùn,
Văn chương nếu rẻ như bùn đã may!

Vốn chẳng sợ chất cay vị đắng,
Thì nắng mưa, mưa nắng sự thường.
Ông làm nổi giá Thịnh Ðường,
Liệu tôi góp với văn chương được gì?

(Bên Trời Lận Ðận, bài 5)

Người viết bài này, tin rằng Văn chương rất quí giá, nhà thơ Hà Thượng Nhân đã góp vào Văn Chương Miền Nam, từ những ngày dựng nước Cộng Hòa đầu tiên, 1954, cho tới khi vận hạn, những ngày lưu vong, một nền móng nào đó không bao giờ sụp đổ, trong có chân đạo, thiện đạo, đạo về cái đẹp, những cái “bất năng,” và đạo bằng hữu ở đời, như ông không bao giờ quên trong Cải Cách Ruộng Ðất, cha mẹ ông bị cộng sản đấu tố, đêm khuya Hữu Loan bạn ông đã ôm một mo cơm khoai tới thăm hai cụ. Bằng hữu trong thơ ông, bằng hữu xung quanh ông, là nét đặc sắc ai cũng có thể thấy. “Náo thị, u lâm mạc luận, Cổ kim cao hữu năng tầm,” như Hữu Loan từng viết; (Chợ ồn rừng sâu chẳng kể, Xưa rày bạn quí tìm nhau. VL dịch.) Từ bằng hữu, thơ ông lên mây, từ bằng hữu thơ ông vào rừng, từ bằng hữu, thơ ông lưu vong.


Viên Linh

(Trích Hồi Ký Văn Học, Viên Linh)


------------------------------------


Tài Liệu:

* Góp một vài lời, Hà Thượng Nhân, in trong Thơ Kỉnh Chỉ, (tr. 19-20) do gia đình bác sĩ Kỉnh Chỉ Phan Văn Hy xuất bản chục năm sau húy nhật 100 năm của Phan tiên-sinh (1989). Tài liệu riêng của Khởi Hành.

*Tào Thực (192-232), nhà thơ Trung Hoa, con Tào Tháo, nổi tiếng làm thơ nhanh, rất đặc sắc về thể thơ ngũ ngôn.

- Nói chuyện Ðiện thoại với Hà Thượng Nhân, Viên Linh, Sổ Tay, 10.2001.
- Bên Trời Lận Ðận, Hà Thượng Nhân, ba ấn bản 1992, 1996, 2007, Seal Printing, Bốn Phương.
- Thi Nhân Việt Nam Hiện Ðại, Phạm Thanh, Khai Trí, 1960.
- 50 Năm Thơ & Người Thơ, Dương Huệ Anh, Thụy Cầm, Phương Ðông, 2007.
- Một Phía Trời Thơ, Thi Ðàn Lạc Việt, 1995.
- Lưu Dân Thi Thoại, Diên Nghị, Song Nhị, Cội Nguồn, 2003.
- Emails, Ðông Anh, 2008.
- Emails, Trường Giang, 2008.