có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Bảy, tháng 7 14, 2012

Em lễ chùa này

thơ Phạm Thiên Thư
nhạc Phạm Duy
ca sĩ Lệ Thu



Thoáng Hương Qua

Ðầu xuân em lễ chùa này 
Có búp lan vàng khép nép 
Vườn trong thoáng làn hương bay 
Bãi sông lạc con bướm đẹp 

Vào hạ em lễ chùa này 
Trên đồi trái mơ ửng chín 
Lò hương có làn trầm bay 
Vờn trên bờ tóc bịn rịn 

Giữa thu em lễ chùa này 
Lầu chuông có con chim hót 
Tiếng ca theo làn gió may 
Lá vàng sương gieo nhẹ hạt 

Sang đông em lễ chùa này 
Ngoài sân có mưa bụi bay 
Hắt hiu trong cành gió bấc 
Vườn chùa rụng cánh lan gầy 

Cuối đông đưa em tới đây 
Trong lòng áo quan gỗ trắng 
Tóc em tợ óng làn mây 
Cội hoa tưởng ai trầm lặng 

Em vừa nằm xuống đất này 
Vườn trong có bông đào nở 
Con bướm chập chờn hương bay 
Quơ sợi râu vàng bỡ ngỡ 

Nắm đất nào vừa lấp mộ 
Có con chim hót đầu cành 
Tiếng tan trên giòng suối xanh 
Nước ơi sao buồn nức nở 

Bây giờ tôi biết em đâu 
Cuối vườn nụ mai nhiệm mầu 
Vừa thoát làn hương trinh bạch 
Em ơi ! Mây đã qua cầu… 

Phạm Thiên Thư


-------------------------------------------------




Thoáng Hương Qua & Em Lễ Chùa Này


Có thể mạnh dạn nói rằng phổ nhạc cho thơ chắc chắn không ai qua được nhạc sĩ Phạm Duy. Và thực tế đã chứng mình điều đó. Có vẽ như ông phổ nhạc cho thơ khi bắt gặp ngẫu nhiên bài thơ nào đó hợp ý, hợp tình chớ không cố ý tìm nơi các nhà thơ. Có thể kể ra một số nhạc phẩm như “Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà” (bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan), “Ngậm Ngùi” (thơ Huy Cận), “Hoa Rụng Ven Sông” (bài thơ Còn Chi Nữa của Lưu Trọng Lư), “Kỷ Vật Cho Em” (bài thơ Để Trả Lời Một Câu Hỏi của Linh Phương), “Còn Chút Gì Để Nhớ” (thơ Vũ Hữu Định) v.v… Tuy nhiên có hai nhà thơ được Phạm Duy phổ thơ nhiều hơn cả là Nguyễn Tất Nhiên và Phạm Thiên Thư.

Không thể nghĩ đơn giản rằng bất cứ bài thơ nào cũng đều có thể phổ thành ca khúc. Rất khó. Bởi tuy có cùng tính chất nhịp điệu nhưng thơ và nhạc có bố cục và nguyên tắc khác nhau. Có thể có thơ tự do nhưng không có nhạc tự do, bởi nếu có thì người ta sẽ gọi thể loại này là “hát thơ”. Do đó người nhạc sĩ thường hay “chỉnh” lời thơ (như thêm vào, cắt bớt, đảo câu v.v…) cho phù hợp với tiết tấu âm nhạc. Thỉnh thoảng có bài thơ được phổ nguyên vẹn (nhưng rất ít), ví dụ như bài thơ Ngậm Ngùi của Huy Cận.

Trở lại với thơ Phạm Thiên Thư, bài đầu tiên được Phạm Duy phổ nhạc là “Ngày Xưa Hoàng Thị”. Ca khúc vừa ra đời đã được nhiều người ưa thích ngay. Nhạc sĩ Phạm Duy kể lại: “Lúc bấy giờ tôi đang soạn những bài ca cho tuổi học trò như Con Đường Tình Ta Đi, Trả Lại Em Yêu… Đọc được bài thơ Ngày Xưa Hoàng Thị mà anh trao cho, tôi như bắt được viên ngọc quý và xin phổ nhạc ngay: Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ, anh theo Ngọ về, gót giày lặng lẽ đường quê…

Cũng theo lời Phạm Duy, về ca khúc Em Lễ Chùa Này thì : “Khi Phạm Thiên Thư đưa thêm thơ cho tôi phổ nhạc thì tôi chọn bài Em Lễ Chùa Này vì cả hai chúng tôi đều muốn quay về xưng tụng những gì thuộc về văn minh Việt Nam, như ngôi chùa cổ ở miền Bắc là nơi lúc còn nhỏ tôi thấy đôi kẻ tình nhân thường hẹn nhau tới dâng hương cầu nguyện…” Đây chỉ là cảm nhận riêng của người nhạc sĩ chớ thật ra đọc trên nguyên tác bài thơ ta sẽ thấy cái “tình” kia ảo diệu hơn nhiều. Phạm Thiên Thư là một nhà thơ-tu sĩ, tình của ông là tình của người đứng xa ngắm nhìn và cảm nhận. Phạm Duy là một nhạc sĩ-người tình nên dĩ nhiên tình của ông là tình của người trong cuộc, cũng như nhan đề bài thơ chỉ là Thoáng Hương Qua chớ không cụ thể như Em Lễ Chùa Này như tên ca khúc.

Bài thơ Thoáng Hương Qua được viết theo thể loại thơ 6 chữ, khi chuyển thành ca khúc Phạm Duy viết lại theo thể loại thơ 7 chữ, tuy nhiên phần ý nghĩa nội dung vẫn không ra ngoài nguyên tác. Cả bài thơ và nhạc đều có 8 khổ, có thể tạm chia thành mấy khúc như sau:

– Khúc 1: khổ thơ đầu, thể hiện ở cung La trưởng, nhịp 3/4 chậm vừa:

Thơ:
Ðầu xuân em lễ chùa này
Có búp lan vàng khép nép
Vườn trong thoáng làn hương bay
Bãi sông lạc con bướm đẹp

Nhạc:
Đầu Mùa Xuân cùng em đi lễ
Lễ chùa này vườn nắng tung bay
Và ngàn lau vàng màu khép nép
Bãi sông bay một con bướm đẹp


– Khúc 2: khổ thơ 2, giai điệu như khúc 1:

Thơ:
Vào hạ em lễ chùa này
Trên đồi trái mơ ửng chín
Lò hương có làn trầm bay
Vờn trên bờ tóc bịn rịn

Nhạc:
Mùa Hạ qua cùng em đi lễ
Trái mơ ngon đồi gió mơn man
Từ lò hương làn trầm nghi ngút
Khói hương thơm bờ tóc em vờn


– Khúc 3: khổ thơ 3, chuyển sang cung Rê trưởng, nâng cao độ của nốt nhạc để tạo hiệu ứng âm thanh mới:

Thơ:
Giữa thu em lễ chùa này
Lầu chuông có con chim hót
Tiếng ca theo làn gió may
Lá vàng sương gieo nhẹ hạt

Nhạc:
Rồi Mùa Thu cùng em đi lễ
Có con chim đậu dưới gác chuông
Hòa lời ca vào làn sương sớm
Gió heo may rụng hết lá vàng

-- Khúc 4: khổ thơ 4, trở lại như khúc 1 và 2:

Thơ:
Sang đông em lễ chùa này
Ngoài sân có mưa bụi bay
Hắt hiu trong cành gió bấc
Vườn chùa rụng cánh lan gầy

Nhạc:
Vào mùa đông cùng em đi lễ
Lễ chùa này một thoáng mưa bay
Và ngoài sân vài cành khô gẫy
Gió lung lay một cánh lan gầy

Về mặt lý thuyết âm nhạc thì đến đây đã hoàn chỉnh bố cục của một ca khúc theo cấu trúc Đk1 – Đk2 – Pk – Đk3. Tuy nhiên ở bài thơ này, 4 khổ thơ đầu chỉ mới là điệp khúc để dẫn tới hiệu ứng ở hai khổ thơ tiếp theo (hiệu ứng này ở Việt Nam hay gọi là “cao trào”)

– Khúc 5: hai khổ thơ 5 và 6, chuyển sang cung La thứ, nhịp chậm lại để tạo âm hưởng thiết tha, tiếc nuối:

Thơ:
Cuối đông đưa em tới đây
Trong lòng áo quan gỗ trắng
Tóc em tợ óng làn mây
Cội hoa tưởng ai trầm lặng

Em vừa nằm xuống đất này
Vườn trong có bông đào nở
Con bướm chập chờn hương bay
Quơ sợi râu vàng bỡ ngỡ

Nhạc:
Tàn mùa đông vào chùa bỡ ngỡ
Tiễn đưa em trong áo quan này
Từng cội hoa trầm lặng thương nhớ
Tóc em xưa tơ óng như mây

Vườn chùa đây vào nằm trong đất
Nép bên hoa ôi những hoa vàng
Vườn đào thơm chập chờn cánh bướm
Bướm khua râu ngơ ngác bay ngang

– Khúc 6: hai khổ thơ cuối, trở lại tiết tấu như ban đầu, để kết:

Thơ:
Nắm đất nào vừa lấp mộ
Có con chim hót đầu cành
Tiếng tan trên giòng suối xanh
Nước ơi sao buồn nức nở

Bây giờ tôi biết em đâu
Cuối vườn nụ mai nhiệm mầu
Vừa thoát làn hương trinh bạch
Em ơi ! Mây đã qua cầu…

Nhạc:
Mộ của em, mộ vừa mới lấp
Có con chim nào hót trên cây
Lời của chim chìm vào tiếng suối
Suối xanh lơ buồn khóc ai hoài

Rồi từ đây vườn chùa thanh vắng
Đến thăm em ngày tháng qua mau
Một nụ mai vừa nở trong nắng
Hỡi em ơi mây đã qua cầu…

Như ở trên đã có đề cập, cả hai bài thơ và nhạc đều hay, và nhờ có nhạc mà bài thơ đi vào lòng người sâu rộng hơn. Tuy nhiên, vẫn có thể nhận ra ca khúc Em Lễ Chùa Này mang tính đời thường nhiều hơn, còn bài thơ Thoáng Hương Qua cứ giống như một lửng lơ thanh thoát.

Phạm Duy đã nói về ảnh hưởng của thơ Phạm Thiên Thư đối với ông: “Tóm tắt lại, khi tôi gặp thi sĩ Phạm Thiên Thư (cựu tu sĩ, pháp danh Tuệ Không) vào năm 1971 là tôi như thoát xác, vượt ra khỏi những đắng cay, chán chường và bế tắc của Tâm ca, Tâm phẫn ca, Vỉa hè ca… Tôi muốn tạm bỏ việc xưng tụng cái nhất thời để tìm về cái muôn đời, nghĩa là tạm bỏ việc soạn nhạc nhân hòa để soạn nhạc nhiên hoà, tạm bỏ soạn nhạc tình cảm, xã hội để soạn nhạc tâm linh…


Lê Phú Hải