có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 12 07, 2014

Bên kia sông

thơ Nguyễn Ngọc Thạch
nhạc Nguyễn Đức Quang
tiềng hát Khánh Ly



Lời Trong Sương

Này người yêu anh ơi
Bên kia sông là ánh mặt trời
Bên kia đồi cỏ hoa đan lối
Bên kia núi núi cao chập chùng
Bên kia suối suối réo lạnh lúng
Là bài thơ toàn chữ hư vô

Này người yêu anh ơi
Cho anh nồng ấm cuộc đời
Như hoa đón ánh mặt trời
Ôi núi mừng vì mây đến rồi
Này người yêu anh hỡi
Yêu nhau mình đưa nhau tới
Bước nhẹ và nói êm xuôi
Nói cho vừa mình anh nghe thôi.

(Nguyễn Ngọc Thạch)





---------------------------------------

Về Nguyễn Ngọc Thạch
Từ hai bài thơ của một người thành hai bài hát của một thời

“Ông Quang ơi, hôm nay là ngày chót đi làm chemo của tôi. Tôi sẽ không còn phải đội mái tóc giả nữa đâu nhé. Tôi khỏe hẳn rồi chỉ còn ông phải lo sức khỏe của ông đi”. Đó là những lời trao đổi cuối cùng giữa tôi và Thạch qua điện thoại trước giờ tôi lên máy bay vào khoảng 25 thàng 2 vừa qua.

Lần gặp trước đó vài ngày cũng thật hối hả không bù với lần gặp đầu thật thong thả được ngồi nghe anh kể chuyện trong một tối văn nghệ tại căn nhà của anh thường được gọi là phòng trà Văn Nghệ. Nơi đó đang có buổi trình diễn của ban văn nghệ do Vũ Xuân Hùng điều khiển. Anh kể cho nghe về nhiều người, nhiều khuôn mặt nghệ sĩ đã đi ngang qua đây. Hầu hết họ đều để lại những hình ảnh nơi ngoài hành lang và thú vị nhất là chì cần nhìn vào con số ghi phụ phí thu thêm mỗi lần họ hát là thấy được cái giá sinh hoạt của nghệ thuật. Trông anh thật gầy, luôn luôn mỏng mảnh như một cây tre mà không phải bây giờ mới như vậy, phải nói là vóc dáng đó không thay đổi từ bao chục năm qua.

Không hiểu sao lần này tôi lại tới lui với anh nhiều lần vậy, có thể vì tôi có nhiều thì giờ hơn để ngồi nghe anh kể về câu chuyện kỳ ngộ khiến anh lập nên cái phòng trà văn nghệ này. Nó là căn nhà của nhà văn Đông Hồ, khi biết Tư Trời Biển (bút hiệu khi anh viết Tin Sáng) ngỏ ý muốn mua, vị chủ nhà khả kính kia đã cho biết là rất hân hạnh và ngã giá ngay khỏi cần thương lượng. Ông không biết căn nhà vườn đó sau này trở thành một địa điểm sinh hoạt văn nghệ, một địa điểm đầu tiên cho nhiều người làm văn nghệ miền Nam trước đó có một nơi ca hát trở lại. Thạch hãnh diện nói với tôi :”Ông thấy không, không có một nơi nào ở thành phố này lại được ca hát nhạc vàng sớm sủa như vậy và cũng không có nơi nào giữ được sinh hoạt bền bỉ suốt 25 năm trời như phòng trà Văn Nghệ này”. Đúng, Thạch nói không sai, nhưng cũng chính vì vậy mà anh bị đặt trên đe dưới búa. Người ta thích anh, người ta cần anh mà người ta cũng ngại.. Anh trả lời tôi gián tiếp về chuyện này :”phần lớn họ không hiểu, tôi khác người khác chỉ vì tôi biết cách deal với địa phương và tôi rất bền bỉ trong từng trường hợp”.. Tôi không nghĩ thêm về người bạn mình nhưng thật tình nhìn danh sách tất cả những người ca hát đã khởi sự hát trở lại từ phòng trà này, tôi thán phục công việc của anh”.

Mãi cho đến cái lần mà tôi nói ở trên là gặp anh một cách vội vã chỉ mới là ngày trước đó, trong một khoảng thì giờ thật là eo hẹp, tôi phải đến ngay để gặp một người bạn khác. Tôi được anh mời ra phía sau, đó mới thật là nhà anh. Trên chiếc ghế ngồi, một anh chàng thật mảnh khảnh không thua chủ nhà, đưa hai tay ra ôm lấy tôi: Vân Anh. Vân Anh bị polio từ nhỏ, người mà tôi cho là hát bài Vì Tôi Là Linh Mục hay nhất VN vì mỗi lần xuất hiện của Vân Anh là một lần gây ấn tượng: màn nhung mở, tiếng hát cất lên từ trong cánh gà, chiếc xe lăn từ từ đi ra khi tràng pháo tay rền rĩ nổi lên vang ầm hội trường. :Thếnào, “linh mục” còn hát không? – “còn, bền bỉ suốt 25 năm nay ở cái phòng trà này”-“không sợ à?””Không, hát thôi, riết rồi ở đây họ quen đi”. Như vậy là có một bài hát đã sống ở đó, ở phòng trà văn nghệ của Thạch từ khi nó bắt đầu cho tới nay không biết rồi sẽ ra sao. Chỉ nói thêm là Vân Anh sau này đã nổi tiếng như cồn khi viết bài ” Này Cô Bé Có Chiếc Răng Khểnh”. Ngày Thạch mất, Vân Anh gọi qua, khóc như bố chết..

Nếu không được nhìn bức hình trên tờ Việt Weekly tuần rồi thì tôi không thể nào nhớ được là tôi có làm MC cho đám cưới Thạch, mà tôi chỉ nhớ là Thạch làm MC trong đám cưới tôi. Té ra chúng tôi đều có trao đổi “nghệ thuật” một cách sòng phẳng. Nhưng kể lại như vậy chỉ là để nói khéo rằng Thạch ăn nói rất có duyên. Cái thời của Thạch hoạt động ở Tổng Hội Sinh Viên Đalạt tôi chắc để lại nhiều chuyện rất đáng kể. Vì tôi nhớ không lầm cái đám sinh viên trước tôi cả một promo ấy là đám oai hùng nhất với nhiều tài danh. Chỉ riêng một tên tuổi Đinh Ngọc Mô quấy động không biềt bao nhiêu thứ: tổ chức trại như máy, vẽ tranh đẹp như mơ, ca hát nghêu ngao, đóng kịch tuyệt vời, giang hồ lãng tử đi khắp Âu-Á… nhất là khi điều khiển “Đố Vui Để Học” .. Ông Thạch này cũng chẳng kém, mặt nào cũng thấy ông ta, đánh đàn không được thì đánh trống, viết lách cực hay, giang hồ cũng khắp trời khắp nẻo. Tôi chợt nhớ câu chuyện anh Bùi Bảo Trúc mới kể cách đây chừng vài tháng về nguồn gốc cái bút hiệu My Sơn của Thạch. Anh nói anh gặp Thạch ở Tân Tây Lan cùng với vài người bạn. Thì ra lúc bấy giờ ông Trúc đi du học còn ông Thạch thì dắt mấy ông trong tổng hội sinh viên VN đi qua tham quan.. (trước 75)

Trở lại những gì mới kể trên thì mới hiểu tại sao khi ra trường Thạch lại nhận về dạy tại trường trung học quận 8, nơi phát xuất chương trình Xây Đời Mới vì nó thích hợp với nếp sinh hoạt của anh. (Sau này tôi cũng đã chọn đề tài “Phát triển cộng đồng tại các quốc gia chậm tiến” làm luận văn ra trường Đalat). Chính nhờ làm ở nơi này, sinh hoạt với Chương Trình Phát Triển Quận Tám (lúc bấy giờ chưa lan qua các quận 6,7) và là người phụ trách bản tin, một ngày đẹp trời Thạch cầm đến cho tôi một tờ bản tin mới ra để đọc chơi. Bất chợt tôi thấy trong ấy có bài thơ Xin Chọn Nơi Nay Làm Quê Hương hay quá, không ai bảo, tôi phổ ngay thành ca khúc mang cùng tên chỉ trong có mấy ngày. Lúc ấy, cả đám Trầm Ca chúng tôi đang ở chung tại Sương Nguyệt Ánh. Đó là khoảng năm 1966. Bài thơ gần như được giữ nguyên vẹn với lời lẽ như sau trừ đoạn kết dưới cùng là được sắp đặt lại:

Xin chọn nơi này Làm Quê Hương 

Ta còn những người ngồi quanh đây trán in vết nhăn
Đêm nằm nghe lòng quặn sôi lên giữa cơn mộng lành
Ôi vì thâm tình cùng con dân sống trong chiến tranh
Ôi cùng đau lòng cùng hoang mang giữa khi khó khăn

Ta còn kiêu hùng vì đi xa vẫn chưa thấy xa
Trên đường muôn vàn gặp nhau luôn lúc vui lúc buồn
Nhưng lòng tuôn trào đầy đam mê muốn thêm bước nhanh
Như vừa lên đường còn hơi sương vướng theo gót chân

Ta còn những người thật yêu nhau biết bao thiết tha
Chưa gặp bao giờ mà đã quá uống máu ăn thề
Giam mình trong lòng thành đô kia sống nơi ấp quê
Nhưng tình cao với đòi yêu thương khắp luôn thế gian

Xin chọn nơi này làm quê hương dẫu cho khó thương
Ta cùng lo chạy từng lưng cơm áo che thân tàn
Khi mùa mưa về cùng lem nhem bước trên ngõ trơn
Khi dịch lan tràn cùng lo âu trắng đôi mắt đen

Xin chọn nơi này làm quê hương dẫu đang chiến tranh
Xin chọn nơi này làm quê hương dẫu chưa thanh bình
Xin chọn nơi này làm quê hương dầu đang khó khăn
Xin chọn nơi này làm quê hương dẫu chưa ấm êm...

Thủa ấy, những tiếng nói sôi nổi về quê hương đã trổi dậy rất nhiều nhưng một bài thơ chứa dựng những thiết tha đến mức như thế này thì quả thật là hiếm vì người ta bi phẫn hoặc phẫn nộ nhiều hơn là tha thiết, cái chất tha thiết hiếm hoi ấy chỉ thấy trong bài thơ này. Bài hát xong, tôi tập cho Ban Trầm Ca và lập tức nó trở thành một mục trình diễn của ban vì nó tác động mạnh mẽ và lôi cuốn người nghe khiến ai cũng muốn cất lời hát theo. Chưa kể với lối viết lạ vừa mới mẻ trong nhịp điệu (chưa từng có người đưa nhịp điệu vào trong nhạc sinh hoạt) vừa chất chứa giai điệu thật quê hương dân dã, lại vừa gọn gàng, cả một bài chỉ dùng có 3 câu nhạc ! Về phần ý nghĩa, bài hát còn được xem như một lời giải đáp thỏa đáng nhất cho những thao thức của thanh niên từng được ghi trong bài Anh Em Tôi là Trầm Ca số 1 lúc bấy giờ :

Anh em tôi, hơn trăm năm, nằm nếm gai uống chai mật đắng
Chê bước anh nhưng trông đến em lòng đầy lo lắng
Anh em tôi hơn trăm năm, mang chiếc gông đi trong lao tù,
Cho đến nay, cờ tự do cắm trên nấm mồ.....
(1964)

Chỉ vài tuần lễ sau, ca khúc này đã lan tràn khắp nước và dĩ nhiên đến tai Thạch. Nó trở thành những câu bùa chú của thanh thiếu niên, một loại bài hát tụng niệm mà người ta thường gọi là tâm niệm về những điều mà tuổi trẻ lúc ấy coi như một thứ chân lý sống của họ ...đặc biệt trong những hội đoàn như hướng đạo, gia đình phật tử, thanh sinh công.. Người ta cứ hát và hát, hát cho hả hê đã đành mà còn hát để cho nó thỏa cái tâm trí, cái tình cảm của mình chưa bao giờ được nói ra...

Mãi đến năm 1970, trong một dịp công tác tại bộ Thông Tin, sau khi nghe bài hát này, Đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc mới giơ tay nói là vì quá xúc động trước nội dung bài hát, cho phép anh dựng thành phim. Và anh chỉ xin một điều là được đổi tên thành «Xin Nhận ..Anh giải thích là « Mình có được chọn đâu ! » Ý tưởng của anh thật hay và sau này tôi hay dùng nhan đề đã được sửa là Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương..

Thạch sung sướng và hãnh diện với bài hát này lắm và tôi cũng thế, tôi nghĩ đó mới là bài tiêu biểu cho những suy nghĩ và tâm hồn của Nguyễn Ngọc Thạch.

Thế nhưng chuyện đời không dừng lại ở đấy. Khoảng một năm sau, lần này thì chính tay anh cầm tới cho tôi tập thơ, thơ của anh. Tập thơ quay roneo kiểu rất là .. tài tử, khổ giấy viết thư gấp đôi. Tập thơ mang tên Lời Trong Sương chỉ vỏn vẹn chừng vài chục bài (tôi nghĩ vài chục bài là ít vì hồi đó mỗi khi đi tán tỉnh thường bất cứ ông thanh niên nào cũng có thể làm .. nhiều hơn !). Thạch nói với tôi : « tôi có tập thơ, ông coi đi rồi phổ được bài nào thì phổ ». Cái giọng nói ấy có nghĩa là không tin tôi có thể làm được nhạc qua thơ tình.. Tôi lật qua lật lại thấy bài nào cũng ngắn cả và cuối cùng tôi chọn bài ngắn nhất là bài đầu tiên cũng là bài mang tên tập thơ viết liền thành bài hát dễ thương :

Lời Trong Sương

Này người yêu anh ơi
Bên kia sông là ánh mặt trời
Bên kia đồi cỏ hoa đan lối
Bên kia núi núi cao chập chùng
Bên kia suối suối réo lạnh lúng
Là bài thơ toàn chữ hư vô

Này người yêu anh ơi
Cho anh nồng ấm cuộc đời
Như hoa đón ánh mặt trời
Ôi núi mừng vì mây đến rồi
Này người yêu anh hỡi
Yêu nhau mình đưa nhau tới
Bước nhẹ và nói êm xuôi
Nói cho vừa mình anh nghe thôi

Chỉ một tuần sau tôi đưa bài hát cho anh với tựa đề được đổi lại là Bên Kia Sông. Nó cũng chỉ là đầu câu thơ của anh thôi. Tôi không ngờ cái tên dễ dãi đó lại trở thành một đề tài sau này cũng có người ngắm nghía chỉ trỏ và kết luận theo một giọng đầy tính chính trị. Bài hát quá ngắn với bài thơ trên, tôi bèn thêm vào một lời nữa để cho bài hát đủ dài rồi tôi đứng hát thử cho anh nghe. Mắt Thạch sáng lên, anh nói liền không chút ngập ngừng : « nếu ông đồng ý thì tôi sẽ đem ra ngoài phổ biến, tôi bào đảm chỉ tháng sau là nó thành Top Ten ngay ». Tôi nói « Đó là bài thơ của ông, ông muốn ra sao thì do ông thôi ». Thật tình tôi không để ý cái chuyện « top ten » hay « top five » vì tôi chưa bao giờ đụng chạm đến thế giới nhạc phổ thông ngoài đời. Tôi đang say men của những sinh hoạt đường phố, những trại rừng, những lều chõng, những sân trường lớp học.. Tôi thật lạnh lùng với nó cho đến một ngày chẳng lâu sau đó, tôi bỗng nghe bài hát trên đài phát thanh để chợt hiểu rằng số phận bài này thật là sáng lạn, nó đã chinh phục quần chúng nhanh hơn những gì tôi nghĩ.

Hai bài thơ, hai bài nhạc, hai hướng đi ra thật là khác biệt. Cái buổi mà tôi hối hả đến gặp Thạch lần chót hồi đầu năm nay, Thạch đưa tôi một CD, một tuyển tập những giọng ca đã từng hát bài Bên Kia Sông của anh. Thì đủ cả, từ Diễm Chi, Thái Hiền cho đến Ý Lan và cả những người đã hát một bài thơ nữa của anh đã được Ngô Mạnh Thu phổ, bài Bãi Hoang..

Bây giờ ngồi nghĩ lại, có lẽ bài Bãi Hoang mang được những màu sắc thực tại của anh hơn hai bài kia: anh đã đi rồi, đi xa rồi:

Chỉ còn hàng cây trụi lá...


Nguyễn Đức Quang ghi
Cali tháng 10/2010