có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 11 13, 2016

Bob Dylan, giải Nobel văn chương năm 2016




Mỗi năm cứ dịp dầu tháng 10, là dư luận cả thế giới lại xôn xao bàn tán với câu hỏi là ai sẽ đoạt giải Nobel văn chương năm nay. Mỗi năm Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển với thành phần 18 giám khảo đã chọn lựa theo ngôn ngữ tiêu chuẩn của Afred Nobel là tìm kiếm trong các thể loại văn chương những tác phẩm siêu việt nhất trong những phương cách lý tưởng nhất.

Trước ngày tuyên bố giải thưởng, đã có những dự đoán và những người đánh cá cược đã tiên đoán theo những cuộc thăm dò riêng của họ. Như Ladbrokes’ tiên đoán người đoạt giải sẽ là Haruki Murakami tiểu thuyết gia Nhật Bản với tỉ lệ 1 ăn 4, thứ nhì là thi sĩ Syrian Adonis với tỉ lệ 1 ăn 6, thứ ba là tiểu thuyết gia Hoa Kỳ PhilipRoth 1 ăn 7, thứ tư là Ngugi wa Thong tác giả Kenyan 1 ăn 10, thứ năm là Joyce Carol Oates tác giả người Hoa kỳ với tỉ lệ 1 ăn 16. Ðó là top – five trong danh sách dự tuyển. Bob Dylan, nhạc sĩ pop Hoa Kỳ có thứ hạng khá khiêm nhường với tỉ lệ 1 ăn 50.

Và kết quả khá ngạc nhiên cho tất cả mọi người. Một nhạc sĩ đoạt giải Nobel văn chương. Ngày 13 tháng 10, thư ký thường trực Hội Ðồng Tuyển Chọn, Sara Danius tuyên bố Bob Dylan chính thức đoạt giải Nobel văn chương năm 2016. Và người được chọn tới ngày 17 tháng 10 cũng chưa trả lời sẽ tham dự buổi lễ trao giải hay không. Sara Danius nói tới bây giờ là sự im lặng. Chúng tôi đã gọi điện thoại và gửi e-mail cho những người cộng tác thân cận nhất và thân hữu nhất của Bob Dylan nhưng chưa liên lạc thẳng được với người đoạt giải. Có lẽ đó là một phong thái riêng của Bob Dylan hờ hững không để ý đến giải thưởng cao quý này. Nhưng thư ký thường trực ủy ban tuyển chọn tuyên bố “Chúng tôi không quan tâm lắm. Ông ta sẽ hiện diện vào ngày phát giải thưởng 10 tháng 12 này”

Trong bản văn tuyên bố giải thưởng, Bob Dylan được xưng tụng “là có những sáng tác diễn tả thi ca tân kỳ trong truyền thống ca khúc vĩ đại của Hoa Kỳ”. Ðính kèm theo là bài phỏng vấn thư ký hội đồng tuyển chọn Sara Danius của ký giả Sven Hugo Persson về Bob Dylan.

Bà Sara Danius tuyên bố: “Trong khoảng thời gian dài 55 năm vừa qua, ông Bob Dylan chưa từng có lúc ngưng nghỉ những hoạt động nghệ thuật và tiếp tục luôn tự mình khám phá những góc cạnh mới của chính bản thân mình để tạo thành những bản sắc mới. Ông là một nhà thơ vĩ đại trong nền văn học Anh ngữ.

Nếu bạn trở ngược về thời quá khứ 2500 năm trước, bạn sẽ thấy Homer và Sappho tuy đã viết nên những tác phẩm có tính sử thi dùng để lắng nghe và trình diễn cùng với các nhạc cụ nhưng đến ngày hôm nay các tác phẩm của họ vẫn được đọc và thưởng thức như một tác phẩm văn học. Bob Dylan cũng vậy. Người ta có thể nên đọc những tác phẩm của ông. Với năng khiếu đặc biệt về thi ca ông tạo một hình thể văn học gợi nên truyền thống nghệ thuật cao qúy và có thể dung hợp thật sáng tạo những thể loại âm nhạc khác nhau và cả những thể loại văn xuôi khác nhau.”

Bob Dylan là nghệ danh của Robert Allen Zimmerman, người Hoa kỳ gốc Do Thái. Ông là ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, họa sĩ, nhà văn, nhà biên soạn kịch. Trong hơn 5 thập niên ông là một chân dung nghệ sĩ có ảnh hưởng tới âm nhạc và văn hóa thế giới. Những thành quả lớn nhất của ông mà những ca khúc của thập niên 1960 được viết với chủ đích khởi xướng và đi tiên phong trong những phong trào tranh đấu cho công bằng xã hội và chống đối chiến tranh. Hai ca khúc tiêu biểu là “Blowin’ in the Wind” (Ðể Gió Cuốn Ði) và “The Times They Are Changin” (Thời Ðại Ðã Thay Ðổi) đã trở thành thánh ca của các phong trào đòi hỏi nhân quyền và chống đối chiến tranh. Sau khi đã phục hưng dòng nhạc folk vốn là những bước ban đầu của ông, ca khúc “Like a Rolling Stone” (Như Hòn Ðá Lăn) đã làm thay đổi bộ mặt của nền âm nhạc đại chúng thời gian ấy. Những bản nhạc rock của ông từ giữa thập niên 1960 đã chiếm được những vị trí cao trong các bảng xếp hạng âm nhạc Hoa Kỳ.

Ca từ của Bob Dylan là sự kết hợp phức tạp giữa nhiều đặc tính từ nhiều phương diện chính trị, xã hội, triết học và cả văn học nữa. Nội dung của những ca khúc ấy trái ngược hẳn với loại nhạc đồng quê bình dân tầm thường và ngôn ngữ đã biểu lộ được tâm tư sâu sắc phản ánh những ray rứt của kiếp sống của con người trong thời đại hiện tại. Những câu hỏi khởi đầu từ những nan đề của kiếp sống. Bob Dylan chịu ảnh hưởng sâu đậm của phong thái Little Richard và cách diễn tả của Woody Guthrie, Robert Johnson và Hank Williams và tất cả đã dung hợp và cộng hưởng thành một phong cách đầy cá tính riêng biệt. Ông đã trải nghiệm từ rất nhiều phong cách truyền thống đa dạng từ folk, blues, country music, cho tới nhạc rock’n’roll và rockabilly cũng như nhạc folk từ nền âm nhạc của Anh, Scotland và Ireland, đôi lúc pha trộn với jazz và swing. Bob Dyland hát, và sử dụng harmonica, guitar, keyboard, accordion. Trong nhiều năm ông đi lưu diễn thường xuyên mà từ cuối thập niên 1980 ông đặt tên là Never Ending Tour. Ông có hình ảnh của một nghệ sĩ trình diễn nhưng cũng là một nghệ sĩ thu âm tuy khuôn mặt chính yếu vẫn là một nghệ sĩ sáng tác âm nhạc.

Là một chân dung nghệ sĩ đa diện,ông đã có 6 cuốn sách viết về hội họa và triển lãm tranh của mình nhiều lần. Và ông cũng được trao giải thưởng Pulitzer báo chí năm 2008 “cho những đóng góp đặc biệt của ông cho âm nhạc và văn hóa chủ yếu là những ca từ phức tạp kết hợp với sức mạnh đặc biệt của thi ca”. Ông cũng đoạt nhiều giải thưởng tổng cộng 11 lần với giải Grammy Award, giải Oscar Award và giải Golden Globe Award và Academy Award. Năm 2012 ông nhận được Presidential Medal of Freedom từ Tổng Thống Barack Obama. Và năm nay, 2016 ông đoạt giải Nobel văn chương.

Những ca khúc nổi danh nhất của Bob Dylan phải kể đến Blowin’ in the Wind được song ca với ca sĩ Joan Baez, người tình hơn ông 14 tuổi, trước 250 ngàn người trong cuộc diễn hành March on Washington ngày 25 tháng 8 năm 1963 tranh đấu cho nhân quyền mà mục sư Martin Luther King Junior đã có bài phát biểu “I Have a Dream” nổi tiếng cả thế giới. Trong thời gian này, Bob Dylan đã từng thú nhận bị nghiện ma túy và mỗi ngày phải chi ra 25 đô la thời đó để mua ma túy và có lúc muốn tự tử.

Ca từ của Blowin’in the Wind nhẹ nhàng đơn giản nhưng gợi ra nhiều hình ảnh. Như một bài thơ, những đoạn nhạc tiếp nối theo nhau với những câu hỏi của những vấn nạn mơ hồ nhưng lại gợi đến những thông điệp có nhiều ẩn dụ gợi đến cuộc sống hiện thực đang diễn ra sống động. Khởi đầu từ một phần của ca khúc truyền khẩu của những người nô lệ da mầu mang tên “No More Auction Black” bản nhạc đã trở thành môt biểu tượng âm nhạc của một bản thánh ca của các phong trào tranh đấu cho nhân quyền. Chỉ trong 10 phút sáng tác, bản nhạc gồm 2 đoạn mỗi đoạn gồm 3 lời viết dưới dạng những câu hỏi nêu ra những ý tưởng phản đối chiến tranh và kết thúc bằng “Câu trả lời là để gió cuốn đi”. Sau này, ông sáng tác thêm một đoạn thứ ba để làm cân đối cấu trúc bản nhạc và hơn thế nữa chủ ý nêu ra ý nghĩa 3 giai đoạn tượng trưng cho cuộc đời mỗi một con người: thơ ấu, thanh xuân và về chiều. Tuy Bob Dylan viết ca khúc này vào năm 1962 và nói trong lần trình diễn đầu tiên là “không có chủ ý phản kháng hay bất cứ một điều gì khác” nhưng mặc nhiên coi như một ca khúc vận động và ủng hộ nhân quyền. Sau này trong những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt nam, ca khúc này trở thành một bản nhạc phản chiến nổi tiếng nhất.

“Bao nhiêu con đường
Mà chàng trai phải vượt qua
Trước khi gọi hắn là đàn ông đúng nghĩa?
Bao nhiêu đại dương
Mà con chim bồ câu trắng phải vẫy vùng
Trước khi ngủ yên trong lòng cát?
Vâng, bao nhiêu thời khắc
Mà những viên đạn trái phá phải bay qua
Trước khi trở thành bị ngăn cấm mai sau?
Trả lời cho bạn ta
Hãy để gió cuốn đi
Câu trả lời là để gió cuốn đi.

Vâng, bao nhiêu tháng năm
để núi cao có thể tồn tại
Trước khi bị xóa nhòa từ biển khơi?
Vâng, bao nhiêu năm tháng
Con người có thể tồn tại
Truớc khi họ được tự do?
Vâng, bao nhiêu lâu nữa
Những ai kia có thể quay đầu lại
Giả tảng như chẳng nhìn thấy điều chi?
Trả lời bạn ta
Hãy để gió cuốn đi
Câu trả lời là để gió cuốn đi”

Bài hát thứ hai của Bob Dylan nổi tiếng nhất là “The Times They’re a Changing”. Mang một chút âm hưởng của dân ca Ireland, Scotland, lời nhạc như những dòng truyền cảm biểu lộ một tâm thức về những biến động biến thành chuyển dịch của thời đại. Có người đã ví von bài hát như một bản hiệu triệu gửi đến những tầng lớp trí thức của xã hội Hoa Kỳ vào thập niên 1960 kêu gọi mọi người đến với cuộc đời bằng trái tim rộng mở và không phải bằng định kiến. Steve Jobs, cố CEO của công ty Apples khi còn sống rất say mê bản nhạc này và trong cuốn phim về cuộc đời Steve Jobs đã trình diễn bản nhạc này như một kỷ niệm giữa nhạc sĩ sáng tác Bob Dylan và nhà phát minh sáng tạo Steve Jobs.

“Cùng nhau họp mặt quanh đây
từ bất cứ nơi nào bạn đã đi qua
và nhìn nhận rằng nước lũ
chung quanh bạn đang dâng lên
và chấp nhân thật sớm
cơn buốt lạnh đến tận xương tủy sẽ phải chịu đựng
Khi thời gian của bạn đã tới
Là giá trị gìn giữ
Rồi bạn sẽ khá hơn khi bắt đầu bơi
Hoặc sẽ chìm xuống như một hòn đá.
Cho thời thế bắt đầu đổi thay
Hãy đến đây
Hỡi các nhà văn và nhà phê bình
Những người tiên tri với ngọn bút
Và giữ cho đôi mắt mở rộng
Cơ hội sẽ không đến hai lần
Và đừng nói trước thật sớm
Cho bánh xe vẫn quay tròn
Và chẳng có người nói ai
Chỉ vỏn vẹn cái tên
Cho những người thua cuộc lúc này
Sẽ chiến thắng lúc khác
Cho thời thế bắt đầu đổi thay…”

Sáng tác ca khúc “Like a Rolling Stone” là một biến chuyển nghệ thuật của Bob Dylan khi ông đã bước vào thời kỳ hầu như kiệt quệ trong cảm xúc và nhận thức đến nỗi có lúc tưởng như chấm dứt sự nghiệp sáng tác âm nhạc. Bản nhạc ra đời và được xem như một ca khúc có ảnh hưởng mạnh mẽ với nền âm nhạc thời hậu chiến của Hoa Kỳ khiến tầm vóc nghệ thuật của Bob Dylan được đưa lên một vị trí hầu như chẳng có ai thay thế được. Bài hát có ngôn ngư mang tính khiêu khích bắt nguồn từ một đoạn chép tay mà ông viết vào tháng 6 năm 1965 khi trở về từ một chuyến lưu diễn mệt mỏi mang tên Bob Dylan UK Tour 1965. Sau khi lời bài hát được hoàn chỉnh với 4 đoạn ngắn và 1 đoạn điệp khúc “Like a Rolling Stone” được thu âm và đưa vào album Highway 61 Revisited. Ca khúc được mô tả là một cuộc cách mạng trong việc dung hợp các thể loại âm nhạc khác nhau với nét trẻ trung pha lẫn giễu cợt của giọng hát Bob Dylan. Những câu hỏi đặt ra trong đoạn điệp khúc như gói trọn chủ đề mà ông muốn diễn tả. Ông viết về cảm hứng của mình trong lần phát biểu với ký giả Jules Siegel:

“Ðó là 7 trang viết dài. Lúc đó nó chưa gọi là gì cả, chỉ vỏn vẹn là một nhịp điệu trên giấy về lòng hận thù không thể đổi thay của tôi dẫn đến một vài sự kiện rất thật. Nhưng kết cuộc nó chẳng mang sự hận thù gì cả mà chỉ là lời kể cho một ai đó những thứ mà chính họ cũng không biết và nói cho họ biết rằng họ rất may mắn. Trả thù, đó chỉ là một từ ngữ hoa mỹ hơn. Tôi không bao giờ nghĩ nó sẽ trở thành một ca khúc cho đến ngày tôi ngồi bên cây đàn dương cầm và tôi nhìn lên tờ giấy mà hát.Tôi hát với một nhịp độ rất châm, chậm rãi đến tối đa “How does it feel?”

Lời bài hát “Like a Rolling Stone” không nói về tình yêu mà bày tỏ sự bất mãn và một mong muốn trả thù. Tác giả Oliver Trager mô tả bài hát là “lời chế nhạo của Dylan về một người phụ nữ đã hết thời và phải tự mình chống đỡ để sống trong một thế giới thù nghịch xa lạ. Bài hát kể về một cô gái “Miss Lonely” trong quá khứ đã có tất cả mọi thứ thật dễ dàng của một xã hội thượng lưu giàu có nhưng hiện giờ thì sa vào hoàn cảnh sa sút đầy dẫy khó khăn. Cô thật sự không có bất cứ sự trải nghiệm ý nghĩa nào để tự rèn luyện nhân cách của mình. Bài hát có đoạn điệp khúc:

“Xúc cảm thế nào? Cảm giác ra sao?
Khi thui thủi sống một mình
Không biết đâu là nhà
Như một kẻ hoàn toàn vô danh
Như một hòn đá lăn…”
Khổ nhạc đầu tiên của bài hát là những lời mỉa mai:
“Ðã có một thời em trang phục sang đẹp
đã thẩy một vài xu lẻ vào túi của kẻ ăn xin
có phải vậy không?
Mọi người nói với em “Coi chừng này cô búp bê
cô đang té ngã
em đã nghĩ họ đang chế nhạo
và em cười khẩy về
những người đã trêu chọc mình.
Bây giờ em không ăn to nói lớn
Bây giờ em không còn dám tự hãnh diện
Về việc sẽ phải đi ăn xin cho bữa ăn tiếp theo…”

Người viết tiểu sử cho Bob Dylan đã tóm tắt ý nghĩa của bài hát này như một ca khúc có vẻ như đang giáng xuống đầu những người vô học và cũng nói về sự mất mát của những người vô tội với những trải nghiệm đau đớn khắc nghiệt. Thời của chuyên thần thoại, những chỗ nương tựa và những niềm tin đã héo mòn và thực tế là những gai góc nghiệt ngã.

Các ca khúc khác của Bob Dylan cũng rất nổi tiếng như “Knockin’ on Heaven’s Door”, một ca khúc phản chiến mô tả cảm giác của một người sắp lìa bỏ cuộc đời:

“mẹ ơi hãy đặt khẩu súng của con xuống đất
Con không thể nổ súng vào họ được nữa
Những đám mây đen dằng dặc đang bao trùm tất cả
Con cảm thấy như con đang gõ cánh cửa thiên đàng…”

Ca khúc “For Ever Young” là bản nhạc của trong trẻo hồn nhiên với ngôn từ lãng mạn gợi đến những vần thơ của bầu trời thi ca với những câu như:

“Chúc con dựng được những nấc thang vươn lên những vì sao
Và con sẽ bước lên những bậc thang ấy
Con sẽ đứng trên lãnh địa tuổi trẻ muôn đời
Tuổi trẻ muôn đời. Muôn đời tuổi trẻ…”

Bài hát “Not Dark Yet” phác họa chân dung một người có tâm hồn khắc khoải luôn nhìn đời băng con mắt vô vọng bi quan. Bóng tối đang phủ dần đến thế gian của bạc bẽo tình người của thủ đoạn đã sắp sẵn trong những trò chơi của phận số:

“Tôi trượt dần xuống tận đáy của thế giới đầy dối gian
Tôi tìm kiếm những điều vô giá trị trong bất kỳ đôi mắt ai
Có lúc gánh nặng hình như quá sức mang vác rồi.
Bây giờ trời chưa tối nhưng bóng đen sẽ phủ trùm…”

Với âm nhạc với ca từ như thế của Bob Dylan, có đủ để ông đoạt giải Nobel văn chương 2016? Trong khi văn đàn thế giới còn nhiều tác giả có nghệ thuật diễn tả văn học tuyệt bích như Haruki Murakami, như Philips Roth, như Salman Rushdie, như Joyce Carol Oates,…

Viện Trưởng Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển Odd Zschiedric đã nói đùa khi có người tò mò hỏi về kết quả của giải thưởng văn chương này: “Nhiều người muốn biết cái gì trong những gói quà của Nobel. Một số người khác thì muốn có điều bất ngờ. Còn chúng tôi thì ngược laị muốn gây bất ngờ…”

Và, quả như vậy, trao giải thưởng cho Bob Dylan là một bất ngờ lớn trong năm 2016. Có lẽ đã nhiều ý kiến không đồng thuân với nhau trong 18 vị giám khảo tuyển chọn nên ngày tuyên bố giải bị kéo dài thêm một tuần so với thông lệ các năm trước. Có ý kiến không đồng ý nhưng cũng có những ý kiến tán thành.

Nhiều ý kiến bất đồng với Ủy ban Giám Khảo. Như của New York Times đã nhận định Bob Dylan không xứng đáng với giải thưởng này vì một sự thật rõ ràng: “Ông chỉ là một ca sĩ, nhac sĩ, họa sĩ nhưng những điều ông viết ra không phải là tác phẩm văn học.”

Bob Dylan xứng đáng với tất cả những giải Grammy về âm nhạc. Không ai có thể tranh cãi được khi tên tuổi ông được vinh danh trên tượng đài Rock& Roll bên cạnh những The Beatles, Beach Boys…sáng tác của ông là dung hợp hài hòa giữa thi ca và âm nhạc và ông cũng là một nghệ sĩ có ảnh hưởng rất lớn của văn hóa Hoa Kỳ.

Có phải đã có những trông đợi khi một nhạc sĩ chiếm địa vị cao quý nhất của một nhà văn. Cũng như ngược laị. Một nhà văn chiếm địa vị cao quý nhất về âm nhạc. Ðiều ấy cũng vô lý như sự kiện Haruki Murakami hay Milan Kundura được nêu danh tên tuổi trên tượng đài danh vọng Rock & Roll?

Có thể Hội Ðồng Giám Khảo Giải tôn vinh một biểu tượng âm nhạc với giải Nobel văn chương với mong muốn đưa giá trị của văn hóa mới đến với các giải thưởng hàn lâm để gần gũi hơn với giới trẻ. Sử gia Tim Stanley cũng cho rằng trao giải Nobel cho Bob Dylan là một nỗ lực làm hài lòng đám đông. Tiểu thuyết gia Irvine Welsh thì cho rằng trao giải thưởng như thế là một quyết định sai lầm không hay.

Nhưng cũng có nhiều lời tán đồng. Như của nhà văn nổi tiếng đồng hương Do Thái với Bob Dylan. Tác giả của The Satanic Verses, Salman Rushdie phát biểu: “Chúng ta sống ở trong một thời đại của những nhạc sĩ viết nhạc với ca từ tuyệt diệu như Leonard Cohen, Paul Simon, Joni Mitchell, Tom Waits nhưng tượng đài nghệ thuật của Bob Dylan ở trên những nhạc sĩ này. Ca từ của Dylan đã tạo cảm hứng cho tôi từ lúc tôi nghe những ca khúc đầu tiên khi còn đi học và quả thật tôi rất vừa lòng với kết quả của giải thưởng Nobel lần này. Biên giới của văn chương nghệ thuật được rộng mở và đó là điều thích thú cho tôi khi ủy ban giám khảo thừa nhận như vậy. Tôi có ý định giành cả một ngày để chơi với dòng nhạc của Mr Tambourine Man, Love Minus Zero/ No Limit, Like a Rolling Stone, Idiot Wind, Jokerman, Tangled Up in Blue và A Hard Rain’ a- Gonna Fall”

Trao tặng giải cho Bob Dylan cũng được đón nhận nồng nhiệt từ một tổ chức văn học có uy tín, The Academy of American Poets qua phát biểu của giám đốc điều hành Jennifer Benka: “Bob Dylan đoạt giải Nobel văn chương để nhận thức rằng sự quan trọng của truyền thống văn chương truyền khẩu và sự kiện văn học và thi ca cùng hiện hữu trong văn hóa ở nhiều thể cách…”

Nhà văn Hoa Kỳ rất nổi tiếng vì những tiểu thuyết kinh dị, Stephen King cũng hết lòng khen ngợi: “Tôi ngất ngây trước tin tức về Bob Dylan đoạt giải Nobel văn chương. Nó thật là một điều tuyệt vời trong khoảng thời gian đầy rẫy những điều buồn chán và dơ bẩn” Nhà văn Joyce Carol Oates phát biểu “Ðây là một sự lựa chọn đầy cảm hứng và độc đáo. Những ca từ mà giai điệu ám ảnh của Bob Dylan đầy chất văn chương”

Nhìn vào quá khứ của giải Nobel văn chương có nhiều trường hợp tương tự như Bob Dylan. Người được trao giải thưởng văn chương tuy sáng tạo tác phẩm từ những lãnh vực khác nhau như thơ, kịch, lịch sử, triết học. Cựu thủ tướng Anh Winstons Churchill đồng thời là một chính khách, nhà báo, họa sĩ, nhưng đoạt giải vì “mô tả rành mạch về lịch sử và tiểu sử nhân vật cùng với việc tôn vinh giá trị cao quý của con người”. Nhà triết học Bertrand Russell và Henri Bergson cũng đã đoạt giải Nobel văn chương.

Trước Bob Dylan, nhà thơ Rabindranath Tagore cũng đoạt giải Nobel văn chương năm 1913 bởi hàng nghìn bài hát bằng tiếng Bengal “tinh tế tươi đẹp và tuyệt vời” của mình.

Dù biên giới giữa các thể loại nghệ thuật quá mong manh nên những liên hệ giữa các mảng nghệ thuật trên thực tế đã có nhiều trường hợp. Có những bài thơ được phổ nhạc. Nhiều nhà văn vĩ đại của thế giới như Geoffrey Chaucer, Robert Burns, Williams Shakespeare cũng đã viết lời cho những ca khúc. Vì thế, trao giải thưởng văn chương cho Bob Dylan cũng có thể là một việc làm có thể hiểu được của Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển.

Nguyễn Mạnh Trinh