có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 12 15, 2016

Steinbeck in Việt Nam, Một thời chiến tranh


John Steinbeck (1902-1968)


John Steinbeck (1902-1968) giải Nobel văn chương năm 1962 với những tác phẩm văn xuôi kết hợp giữa tính hiện thực và lãng mạn thi ca để thành một dòng văn học pha trộn giữa tính hài hước nhẹ nhàng và cái nhìn quan sát xã hội sâu sắc. Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển mà đại diện là Thư ký thường trực Anders Osterling đã tuyên dương văn nghiệp của ông:

“John Steinbeck, tác giả được giải thưởng Nobel Văn Chương năm 1962, sinh tại thị trấn Salinas, tiểu bang California, cách bờ Thái Bình Dương vài dặm, gần thung lũng Salinas trù phú. Nơi đây là bối cảnh cho nhiều bức tranh khắc họa cuộc sống thường nhật của con người bình thường trong sáng tác của ông. Ông được nuôi dưỡng trong một gia đình trung lưu song vẫn duy trì được sự thân ái bình đẳng với những gia đình công nhân ở vùng địa phương đa diện phức tạp này. Khi đang theo học tại Ðại Học Stanford ông thường phải làm việc ở các nông trại chăn nuôi để sinh sống. Ông học ở Stanford nhưng không tốt nghiệp và năm 1925 thì đến New York hoạt động viết văn như một nghề tự do…

Tuy trước năm 1935 ông đã viết vài cuốn sách nhưng mãi đến năm đó ông mới đạt được thành công đầu tiên với cuốn Tortilla Flat với câu chuyện nhiều chua cay và hài hước chung quanh một nhóm những người nhà quê, những con người thiếu chất xã hội thô kệch như là phác họa một bức tranh biếm họa về các nhà quý tộc được vua Arthur phong tước ngồi tán dóc quanh chiếc bàn tròn của nhà vua. Nghe nói rằng ở Hoa Kỳ cuốn sách này được coi như một liều thuốc giải độc trong thời kỳ kinh tế suy thoái.

Nhưng ông chẳng hề quan tâm đến việc biến mình thành kẻ đi an ủi và mua vui vô thưởng vô phạt cho mọi người. Những chủ đề ông chọn đều đứng đắn nghiêm túc và vạch trần những xấu xa như ông tấn công vào những nông trại trồng bông và trái cây ở California trong tiểu thuyết “In Dubious Battle” năm 1936. Càng ngày văn phong ông càng tăng thêm nội lực trong thời gian này. Cuốn sách mỏng nhưng là tuyệt tác của ông “Of Mice and Men” viết về anh chàng Lennie khổng lồ to xác nhưng đần độn chỉ vì yêu quý và âu yếm mà bóp chết mọi thứ sinh vật rơi vào tay hắn. Truyện này và nhiều truyện ngắn đặc sắc khác được in chung thành tuyển tập “The Long Valley” vào năm 1938. Một con đường mới thênh thang mở ra với một đại tác phẩm mà tên tuổi của ông đã gắn chặt vào “The Grapes of the Warth”. Câu chuyện kể về môt hành trình di dân bắt buộc từ Oklahoma tới California của đám dân thất nghiệp và bị cường quyền áp chế nhũng lạm. Câu chuyện bi thảm này trong lịch sử Hoa kỳ đã gây cảm hứng để tác giả mô tả đến đau lòng những trải nghiệm của một anh nông dân cùng gia đình trong một hành trình thống khổ dài vô tận tới nơi đất hứa mới.

Trong lời tuyên dương ngắn ngủi này chúng tôi không thể dừng lại giới thiệu tỉ mỉ từng tác phẩm riêng rẽ được Steinbeck viết về sau. Có đôi lúc các nhà phê bình hình như nhận thấy ở Steinbeck một vài dấu hiệu tỏ ra sức viết sa sút hoặc có hiện tượng lặp lại như thể chứng tỏ ông đã hết sức sống. Thế nhưng nhà văn đã làm nỗi lo sợ của các vị kia tiêu tan khi mới xuất bản một cuốn tiểu thuyết “The Winter of Our Discontent.” Trong tác phẩm này Steinbeck cũng đạt tới một chuẩn mực như trong “The Grapes of The Warth.” Một lần nữa ông vững vàng trong tư thế một người độc lập đứng ra phơi bày sự thực với khuynh hướng của bản năng không thiên vị về những gì đích thực của nước Mỹ, dù nó tốt hay xấu. Trong cuốn tiểu thuyết mới này, nhân vật chính là một ông chủ gia đình sa sút. Sau khi tham gia quân ngũ trong chiến tranh ông thử làm việc gì cũng thất bại cuối cùng đi làm thuê một công việc thư ký một cửa hàng tạp hóa tại một thành phố nơi tổ tiên ông đã từng sinh sống. Ðó là một con người trung thực không bao giò than vãn vô cớ cho dù trước mắt ông đầy những cám dỗ và chính mắt ông từng chứng kiến đủ mọi cách dùng tiền để mua được những thành công vật chất…

Tác phẩm cuối cùng của Steinbeck là một bản tổng kết những điều ông trải nghiệm qua chuyến đi dài ba tháng suốt bốn mươi tiểu bang khắp nước Mỹ. “Travel with Charley” xuất bản năm 1962. Ông đi trên một chiếc xe vận tải nhỏ có chỗ ngủ và chất hành lý. Ðến đâu ông cũng âm thầm một mình mà người bạn duy nhất là một chú chó lông xù đen. Trong tác phẩm này ta gặp một nhà quan sát rất từng trải, một người duy lý là ông. Trong một loạt những khảo sát tuyệt vời về những màu sắc cá tính địa phương, ông khám phá lại đất nước mình và con người sống trên đất nước đó. Một cách gián tiếp, cuốn sách cũng là một phê phán xã hội mạnh mẽ…

Trong những bậc thầy văn chương Hoa Kỳ hiện đại từng được nhận giải thưởng này, kể từ Sinclair Lewis cho tới Ernest Hemingway, John Steinbeck có hẳn một vị trí và thành tựu riêng rất độc lập. Ở văn chương ông có chất hài hước mà trong một chừng mực nào đó bù đắp cho cái chủ đề thường là cay độc và thô bạo của ông. Thiện cảm của ông bao giờ cũng dành cho kẻ bị áp bức, kẻ không có khả năng thích nghi đối phó với cuộc sống, kẻ đang suy sụp tuyệt vọng. Ông muốn đem niềm vui đời thường giản dị đối lập với sự thèm khát tiền bạc đến độ độc ác và trâng tráo. Nhưng trong ông, ta còn bắt gặp khí chất Hoa Kỳ trong tình cảm lớn lao đối với thiên nhiên, đối với đất trồng trọt, hoang địa, núi non và các bờ đại dương tất cả đã trở thành suối nguồn cảm hứng không bao giờ cạn cho Steinbeck giữa thế giới những người đang sống và vượt xa ngoài cái thế giới đó. Sở dĩ Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển trao giải thưởng này cho John Steinbeck là vì những tác phẩm văn chương vừa hiện thực vừa đầy hoang tưởng nổi bật với một sự hài hước đầy cảm thông và một cách quan sát nhìn ngắm xã hội thấu đáo.”

John Steinbeck dược tưởng nhớ bởi tác phẩm bộ ba của thời kỳ Ðại Suy Thoái của nước Mỹ với “In Dubious Battle”, “Of Mice and Men” và “The Grapes of Wrath” hay đáng kể như vài tác phẩm viết sau như “East of Eden” hoặc “Travel with Charley”. Một tác phẩm in năm 1942 “The Moon is Down” lên án chủ nghĩa Phát xít và cũng phê phán những chế độ độc tài như Cộng Sản. Và ông còn được tưởng nhớ bởi những lá thư của ông viết từ Việt Nam khi ông đã về hưu nhưng tình nguyện đến Việt nam làm phóng viên cho báo Newsday, nơi đã đăng tải những bức thư từ năm 1966 đến năm 1967. Những bài báo đã gây nhiều phản ứng cho dư luận Hoa kỳ. Lúc đó đang có phong trào phản đối chiến tranh và John Steibeck bị coi là những người cổ võ chiến tranh của thuyết Domino ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản. Mặc dù vậy, chủ báo đã quá cố Newsday, Harry Guggenheim, một bạn thân của ông, vẫn hỗ trợ và những lá thư gửi từ Việt Nam “Letters to Alicia” với câu mở đầu quen thuộc “Dear Alicia” là của Steinbeck gửi cho vợ ông chủ báo Harry Guggenheim.


Thomas Barden, giáo sư Anh văn của University of Toledo đã chọn lựa những bức thư được đăng trên Newsday để in “Steinbeck in Việt Nam: Dispactches From the War”. Ðây là những báo cáo từ nơi đang xảy ra chiến tranh gửi về Hoa Kỳ mang theo thông điệp hiện thưc biểu hiện tình trạng thực tế ở Việt Nam. Cuốn sách phác họa ra những mảnh nhỏ của chiến tranh thực sự để tổng hợp thành một cái nhìn nhất quán qua sự quan sát của một nhà văn đã đoạt giải Nobel văn chương năm 1962 và được coi như là một tác giả vĩ đại nhất của văn chương thế giới. Vào giữa thập niên 1960, John Steinbeck đã ở tuổi hưu trí và cuộc chiến Việt nam đã bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Nhưng ông vẫn nhiệt thành với ý định đến đất nước này để chính bản thân mình nghe và thấy sự thực đang diễn ra. Dù rằng người bạn thân đang là tổng Thống Hoa Kỳ đương nhiệm Lyndon Johnson đề nghị ông đến Việt nam với tư cách là đặc phái viên của Tổng thống để khảo cứu và quan sát diễn tiến cuộc chiến đang xảy ra nhưng ông đã từ chối vì biết rằng với vị trí chính thức như vậy rất khó khăn để tìm ra sự thực. Ông đã nghĩ rằng sẽ dễ dàng hơn để nhận thức sự thực qua vai trò của một phóng viên tự do. Khi tờ Newsday mời ông làm phóng viên chiến trường ông đã nhận lời như gặp một cơ hội may mắn.

Thomas Barden là một cựu chiến binh đã tham chiến ở Việt Nam thuộc binh chủng pháo binh nên đã hiểu được tâm trạng và suy tư của nhà văn John Steibeck khi đọc những lá thư gửi đi từ một đất nước xa xôi. Ông viết:

“Kinh nghiệm sống của tôi trải qua trong cuộc chiến đã làm tôi thấu hiểu nỗi đau trong lòng Steinbeck. Bởi vì chính tôi cũng đã từng phải sống qua những trạng thái mâu thuẫn và xung đột trong nội tâm mình.

Tôi đến Việt Nam vào tháng 6 năm 1970. Khi đó người ta đã dùng mọi cách để trở về nước Mỹ hoặc tránh để không phải phục vụ tại Việt Nam. Tâm lý chung là chẳng ai muốn bị tử vong vì một cuộc chiến hoạch định sai lầm? Nhưng tôi yêu đất nước tôi và muốn hoàn thành những công việc đứng đắn. Nhưng tôi thấy cuộc chiến ấy đáng nguyền rủa đó là một mớ “xà bần” hỗn độn.”

Từ tháng 12 năm 1966, John Steinbeck đã đi làm phóng sự khắp các chiến trường ở miền Nam Việt Nam, từ đồng bằng sông Cửu Long đến cao nguyên Trung Phần, và cả từ vùng Ðông Bắc Thái Lan đến xứ Lào xa xôi. Ở bất cứ nơi nào, với hành trang là một khẩu súng, một cây bút và một cuốn sổ tay ghi chép lại tức thời những sự kiện diễn ra kèm theo những nhận định cảm quan của một người chứng kiến sự kiện thực của những con người thưc sự trong cuộc chiến. Thomas Barden cho rằng với cái nhìn sâu sắc cũng như cảm quan tiềm ẩn của một thiên tài, những ghi chép lại đã thành những báo cáo tràn đầy những thông điệp gửi theo giúp độc giả hiểu biết rõ ràng hơn thực tế đang xảy ra và nhất là có được những thông tin chính xác của một cuộc chiến đã vốn chất chứa sẵn nhiều bí mật.

Trong lời đề tựa và cũng như lời bạt, Thomas Barden đã nhận xét:

“John Steinbeck là một mẫu người thích hoạt động xông xáo. Rất khác với nhà văn William Faulkner, cũng là một nhà văn đoạt giải Nobel văn chương, chỉ ở trong thư phòng của mình và tưởng tượng ra những hư cấu cho tác phẩm của mình. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ làm cho độc giả nhìn thấy được những góc canh, những sự kiện bị bỏ quên và không được ai để ý tới.

Tôi đã trải qua những giây phút của khoảnh khắc rùng mình khi đọc những lá thư báo cáo của Steinbeck. Ông mô tả những vùng đất chết hoàn toàn không có sự sống của cây cỏ ruộng đồng. Ông không biết đó là hậu quả của chất độc da cam để khai quang mà không lực Mỹ đã rải xuống chiến trường Việt Nam. Ðó đúng là những đoạn văn khiến tôi bị xúc động đến sởn da gà.”

Thời gian của cuối thập niên 1960 là thời kỳ của phong trào phản chiến lên tới cao độ. Những cuộc biểu tình của sinh viên và những người mệnh danh là trí thức đã phản đối cuộc chiến tranh đang tiến hành ở Việt Nam đã được giới truyền thông tiếp tay mô tả trên các đài truyền hình và báo chí đã tạo bất lợi cho dư luận nước Mỹ và cả thế giới. Thế mà, John Steinbeck lại là một người trong nhóm thiểu số ủng hộ cuộc chiến tại Việt Nam. Ông lập luận rằng những người phản chiến đã không biết rõ sự thực bởi họ chưa đến Việt Nam để chứng kiến tận mắt những gì đang xảy ra và như vậy không hiểu được ý nghĩa của cuộc chiến bảo vệ miền Nam Việt nam chống lại sự xâm lăng của Bắc Việt được hậu thuẫn của cả khối Cộng sản yểm trợ. Do đó ông đã tình nguyện đến Việt Nam để tìm hiểu sự thực. Ong đã tuyên bố rằng ít nhất ông đã đến đây một nơi cần phải đến và là một sự kiện đáng ngưỡng mộ.

Những lá thư được gửi về Hoa kỳ mà bức thư đầu tiên đã lên án sự vi phạm lệnh hưu chiến mà hai bên đã đồng ý vào lễ giáng sinh năm 1966 của Việt Cộng. Ngày lễ là ngày thiêng liêng của dân tộc để ngưng chém giết nhau nhưng Việt Cộng đã lợi dụng để vẫn tiếp tục nổ súng, một mặt là để thăm dò sự thận trọng đề phòng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ, một mặt là để tranh giành những thuận lợi về mặt quân sự. Trước sự vi phạm ấy, phía Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ chỉ phản đối lấy lệ nên Việt Cộng tiếp tục leo thang sự vi phạm mà cao điểm nhất là cuộc tổng công kích tết Mậu Thân đã nổ ra trên các tỉnh và thị xã khắp miền Nam Việt Nam.

Trong lá thư ngày 31 tháng 12 năm 1966 từ Sài Gòn, John Steinbeck viết:

“Dear Alicia,

Cuộc hưu chiến nhân lễ Giáng sinh đã qua và chúng ta đang làm công việc đếm bao nhiêu người bị chết hoặc bị thương tích vì sự vi phạm lệnh ngưng bắn của Việt Cộng. Họ biết chúng ta sẽ tôn trọng những điều đã ký kết nhưng bên họ thì không. Các binh sĩ của chúng ta và đồng minh rất tức giận vì sự kiện này. Ðức Giáo Hoàng đã kêu gọi hòa bình và chúng ta đã đáp ứng nhưng không được đối phương đáp trả. Còn thêm một điều quan trọng nữa, chúng ta còn biết được Hà Nội đang chuyển quân lính và các đồ tiếp liệu về phía nam. Họ biết rằng chúng ta sẽ tôn trọng. Nhưng họ thì không bao giờ…”

Những người phản chiến trong nước đã chỉ trích về thái độ của ông với cuộc chiến thì cả báo chí của Nga Sô Viết thời đó cũng lên án ông là người hiếu chiến không xứng đáng nhận lãnh giải Nobel văn chương. Ông đề cập đến sự kiện này trong lá thư viết ngày 5 tháng 1 năm 1967 từ Sài Gòn:

“Ngày hôm qua hãng tin UPI (United Press International) đã đưa cho tôi một mẫu tin từ tờ nhật báo thanh niên Sô Viết Komsomolskaya Pravda kết án tôi là một “kẻ đồng phạm sát nhân” vì lý do tôi đã tháp tùng theo một chiếc trực thăng của Không Quân trong một phi vụ tại Việt nam. Ðây là một lời buộc tội thật lạ lùng và vu vơ không lý lẽ thuyết phục. Nó còn vô lý hơn cả Joe McCarthy. Nó đã sáng chế ra một tội phạm mới – một tội phạm chỉ vì quan sát mà thôi…”

John Steinbeck rất ghét Cộng Sản. Trong lá thư gửi cho nhà thơ Nga Sô viết Yevgeny Yevtushenko, một người có lúc là một người cầm bút phản kháng chế độ độc tài của Stalin nhưng lại có lúc ngả theo chế độ Cộng Sản đang cầm quyền, ông đã tranh luận về chiến tranh Việt Nam. Mặc dù là bạn thân nhưng cả hai đã ở những vị trí đối nghịch trong cuộc chiến tranh lạnh để nói về hòa bình và chiến tranh, cuộc chiến bảo vệ tự do và cuộc chiến xâm lược của hai phía Nam Bắc Việt Nam cũng như nghĩa vụ của Hoa Kỳ và thế giới tự do ngăn chặn làn sóng xâm lăng của chủ nghĩa Cộng Sản.

Một bức thư khác viết từ Cần Thơ ngày 21 tháng giêng năm 1967:

“Dear Alicia,

Tôi viết cho bạn về một cuộc tuần tra im lặng trên sông, những bờ sông êm ắng và những vì sao lấp lánh bởi cái không khí ẩm ướt. Chúng tôi đã đến bờ trước 9 giờ một chút. Ðó là một phần của cuộc hành quân Game Ward đặt căn cứ ở Cần Thơ, thành phố lớn nhất trong vùng châu thổ. Có một số ít nhà hàng ở Cần Thơ nơi các người Việt luôn luôn đi với con cái họ đến ăn và nói chuyện bằng ngôn ngữ của họ mà âm hưởng nghe giống như đang hát. Ánh đèn không sáng ở những nơi đó. Bởi vì tình trạng thiếu điện hầu hết chúng được thắp sang bằng những cái đèn leo lét.

Vào khoảng 10 giờ tối hai thanh niên trẻ đang đi dạo đứng lại ở phía trước của một nhà hàng đông đúc và tung hai quả lưu đạn vào trong lúc cánh cửa mở rộng. Một quả không nổ. Quả kia nổ tung và xé tung mọi người cùng với con cái họ. Không có người lính nào trong nhà hàng kể cả lính Mỹ cũng như lính Việt. Không có một lợi ích gì về mặt quân sự đạt được. Một đại úy người Mỹ chạy lại và bồng ra một em bé khoảng 7 tuổi. Anh đã khóc khi mang em bé đến bệnh viện và em đã chết. Các xe cứu thương đã mang đi các thân thể bị gãy nát tới một tòa nhà dài nơi từng là một bệnh viện của Pháp nhưng nay là của chúng ta. Rồi công việc cưa cắt và tìm kiếm những miểng vụn kim loại bắt đầu và mùi ê-te đầy trong tòa nhà. Một số người với quần áo tơi tả khi đến nơi đã chết khi vụ nổ xảy ra và một số khác đã chết sau đó nhưng số người sống sót đã được điều trị băng bó. Họ nằm trên những chiếc giường gỗ với một câu hỏi ánh lên trong ánh mắt họ. Những kim truyền nước biển được dán vào mu bàn tay họ, nếu họ còn tay hoặc vào mắt cá chân nếu họ không còn tay. Những đứa trẻ đang nô đùa trên sàn nhà hàng đã bị thương nặng nhất khi lưu đạn nổ. Các bác sĩ và y tá của lực lượng đế quốc Mỹ thô bạo hung hãn đã làm việc suốt cả đêm cho cái kết quả của sự bảo vệ tổ quốc cao quý này.

Cùng lúc đó những kẻ ném lựu đạn đã bị bắt và chúng đã tự hào nhìn nhận hành động, thực sự kiêu hãnh vì nó.

Tôi thấy tôi không hiểu được cái ý tưởng cua những tên khủng bố bừa bãi này. Tại sao họ lại tiêu diệt chính đồng bào họ, những đồng bào nghèo khổ của chính họ mà sự tự do là mối quan tâm của cửa miệng họ? Cái bệnh viện đó với tất cả sự đau đớn vô ích của nó giống như một đám mây buồn. Có ai có thể tin rằng Việt Cộng, những kẻ có thể làm điều này cho chính đồng bào của họ, lại quan tâm đến tình trạng an sinh cho họ nếu họ nắm trọn quyền kiểm soát. Tôi thấy tôi không thể tin được. Chúng ta và các đồng minh của chúng ta thường làm chết và bị thương những người dân vô tội trong khi thực hiện một cuộc hành quân. Còn Việt Cộng thì luôn luôn tự tắm với máu những con người vô tội. Họ đặt một khẩu súng máy ở ngay cửa nhà một nông dân và một bầy trẻ con ở gần đó dù biết rằng chúng ta sẽ miễn cưỡng bắn lại làm thiệt mạng người dân. Họ lập các lô cốt của họ trong những khu đông dân cư với cùng một mục đích. Và người dân sẽ bị thương. Tôi đã thấy chúng ta quan tâm để cố tránh điều đó và phải cấp cứu khi nó không thể tránh được.

Một khu của cái bệnh viện cũ của người Pháp ở Cần Thơ là để dành riêng cho những thương vong của Việt Cộng Những cánh cửa ra vào và cửa sổ đã bị bít chắn, dĩ nhiên nhưng ở bên trong, việc điều trị thì vẫn giống y như dành cho chúng ta. Nhưng trong con mắt của những tù nhân bị thương tôi nhìn một sự thật tàn nhẫn khác, những bộ óc này trông đợi sẽ bị hành hạ và bị chết bởi chúng ta và sự nghi ngờ đến khó chịu của họ khi chuyện ấy đã không xảy ra. Những cái đầu óc này đã bị thui chột bởi cùng cái kế hoạch đã đặt cái túi chất nổ trong chợ hay ném trái lưu đạn trong một rạp hát đông người.

Tôi phải tin rằng những người tuần hành đông đảo phản đối từ nhiều ngày qua ở Liên Hiệp Quốc và chung quanh Tòa Bạch Oác chán ghét chiến tranh. Tôi nghĩ tôi có nhiều lý do hơn họ để chán ghét. Nhưng có thể nào chiêu mộ họ cho những dịch vụ y tế không? Họ có thể được huấn luyên cấp tốc và không đòi hỏi phải giết ai cả. Nếu họ rất yêu dân chúng, tại sao họ không muốn cứu giúp họ? Ðất nước này thiếu thốn sự trợ giúp y tế một cách thật khổ sở. Có thể nào một số năng lượng dùng vào việc mang các áp–phích chống chiến tranh được chuyển qua để dọn dẹp các giường bệnh viện hay chùi rửa các vết thương bị nhiễm trùng? Ðó mới thực sự là một sự phản đối chống lại chiến tranh. Họ đáng lẽ có thể được nói cho biết rằng dĩ nhiên những người hùng Việt Cộng của họ không tôn trọng những ý định hòa bình. Họ gài bom bệnh viện và giật mìn các xe cứu thương. Có thể là nguy hiểm khi xử dụng phương pháp phản đối này, và hơn nữa nếu họ rời khỏi đất nước, những tấm chi phiếu trợ cấp của họ có thể bị ngưng lại. Nhưng ngược lại họ có thể gặt hái được một chút tự hãnh diện là đã làm một chút gì thay vì chống lại…”


Nguyễn Mạnh Trinh