có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 12 28, 2016

Về một người làm thơ vừa ra đi: Bùi Bảo Trúc



Nhà thơ Bùi Bảo Trúc (1944-2016)

Bùi Bảo Trúc là tên thật của nhiều người: nhà truyền thông, nhà văn, nhà thơ, ký mục gia, nhà báo… Mỗi một phương diện, mỗi một vị trí, đều là những chân dung nổi bật khiến ông nổi tiếng trong cộng đồng người Việt hải ngoại.

Ngày thứ sáu 16 tháng 12 năm 2016, ông vừa rời khỏi cõi trần. Sự ra đi của ông khiến đám đông nhiều người thương tiếc. Chúng tôi cũng ở trong đám đông ấy. Bài viết này như một nén tâm hương tưởng niệm.

Nói về Bùi Bảo Trúc, với những chân dung đặc biệt như vậy mà chỉ nói về chân dung nhà thơ có lẽ không đủ. Nhưng với tôi,chân dung nhà thơ gần gũi hơn và có nhiều chia sẻ với cá nhân tôi trong đời sống văn chương và đời thường.

Tôi quen biết với Bùi Bảo Trúc từ năm 1985, cách nay khoảng hơn 30 năm về trước khi tôi in tập thơ đầu tiên. Lúc ấy, anh Bùi Bảo Trúc đang làm ở đài VOA và phụ trách chương trình điểm sách của đài này. Một buổi sáng anh gọi điện thoại đến chỗ tôi đang làm việc để hỏi một vài chi tiết về tập thơ của tôi. Mặc dù lúc đó tôi khá bận rộn nhưng vẫn hào hứng nói chuyện với anh cả tiếng đồng hồ. Mà chỉ nói về tập thơ của tôi chừng năm, mười phút còn toàn chuyện về nhà thơ Ðinh Hùng, một nhà thơ mà cả anh và tôi cùng ngưỡng mộ. Từ đó, thỉnh thoảng điện thoại chúng tôi đều nói nhiều về thi ca mà ít nói với nhau những đề tài khác.

Từ lâu tôi vẫn muốn nói chuyện với anh về thơ của anh trên chương trình Tản Mạn Văn Học mà tôi phụ trách. Lý do là tôi thích những bài thơ của anh nhắc lại đời sống tôi lúc vừa mới lớn khi còn ngồi trong lớp học trường Chu Văn An. Anh lớn hơn tôi vài tuổi và trên tôi vài lớp nhưng sao những suy nghĩ về thầy về bạn về tuổi trẻ của anh sao có nét gì tương hợp với tôi. Anh tả tình, anh tả cảnh của riêng anh trong thơ sao đối với tôi là cả một khung trời hoài niệm. Chúng tôi đã sống trong thời gian ấy, không gian ấy, với những khuôn mặt bạn bè, với những tâm tình của những cánh chim non còn chập chững trên bờ tổ nhưng đã hướng đến những khung trời cao rộng của mây trắng của trời xanh.

Trong thơ của Bùi Bảo Trúc rất nhiều hình ảnh gợi lai sự hoài cảm của những nơi chốn mà anh sống lúc đầu đời. Với tôi, những hình ảnh ấy cũng quen thuộc bởi vì những con đường ấy, những ngõ hẻm ấy cũng in hằn trong bộ nhớ của tôi. Những bài thơ của anh đánh động rất nhiều trong tôi những kỷ niệm.

Trong một lần điện thoại vào tháng 6 năm nay, anh dự trù sẽ in một tác phẩm mới vì anh thú thực muốn làm một việc sau một thời gian ngưng nghỉ và anh hẹn sẽ làm một chương trình Thơ Bùi Bảo Trúc với tôi. Nhưng thời gian lần lữa, anh đã vì lý do sức khỏe nên không thực hiện được những điều mong muốn.

Khi anh còn ở miền Ðông Hoa Kỳ, bên cạnh công việc làm cho đài VOA anh còn viết hàng tuần lá thư miền Ðông cho báo Người Việt và sau được đặt tên là Thư Gửi Bạn Ta được chon lựa lại và nhà xuất bản Văn nghệ của thầy Từ Mẫn in thành 3 cuốn. Thư Gửi Bạn Ta biểu lộ phong cách tài hoa của cây bút Bùi Bảo Trúc. Ðề tài thì thường rộng rãi, tùy hứng nhưng phần đông theo sát thời sự dù người đọc sau một thời gian vẫn không cảm thấy đã cũ. Một chút châm biếm, một chút lãng mạn. Có khi là nhửng giận dữ biểu lộ từ những biến cố trong nước của những người Cộng sản ngu dốt. Có khi là những trang sách đầy nét thơ mộng của tình yêu, của tình người. Nhưng rõ ràng vẫn là chất lửa của đời sống của những suy tư nhân bản luôn được tỏa sáng qua lăng kính văn chương.

Anh có một suy nghĩ riêng một phong cách riêng, khác biệt với ứng xử thường hằng. Luôn luôn anh tìm được những điều khác lạ có khi nhỏ nhoi không ai để ý tới nhưng vào văn chương đã trở thành những nét lôi cuốn người đọc. Có những chân dung, dù là người thân thiết hay những kẻ anhng không ưa, chỉ vài nét cũng phác họa được khuôn mặt tiêu biểu.

Loạt bài Thư Gửi Bạn Ta viết liên tục một thời gian khá dài, tôi nghĩ là đến hơn hai thập niên. Thử tưởng tượng, qua một thời gian lâu như thế, mà vẫn giữ được sự hấp dẫn thì điều đó thực sự không phải là dễ dàng. Có khi, người đọc đã lửng lơ giữa cảm giác này và cảm xúc nọ. Chính cái lửng lơ ấy đã phản ánh một nhân sinh quan nhiều chất lạc quan nhưng vẫn ẩn giấu nỗi chua xót, sự bất bình của cõi đời. Viết phiếm, không phải chỉ là khơi khơi kể chuyện, mà còn chất chứa đằng sau những nỗi niềm, những tâm sự nhiều khi khó ngỏ thẳng thắn bằng ngôn từ. Thư Gửi Bạn Ta,là một minh chứng của nội lực văn chương dài hơi, của một tâm hồn mẫn cảm đầy mơ mộng

Nhà truyền thông Bùi Bảo Trúc thì sao? Hãy đọc những bài báo và nghe những chương trình phát thanh, truyền hình trên Little Sài Gòn Radio hay Hồn Việt TV của Bùi Bảo Trúc như Ngày Này Năm Xưa, hay Chào Hoàng Hôn để thấy được sự lôi cuốn mãnh liệt khán thính giả. Là người MC hay dẫn chương trình,ông đã mở ra những con đường mới là dẫn dắt nhiều liên tưởng cho người nghe và người xem. Những vấn đề đã qua những phân tích nhiều khi bất ngờ nhiều khi tưởng như gần cận bên ta. Tôi nghĩ, đời sống thực đã được mang vào trong cách diễn tả để những biến cố được mang đến gần hơn một bước nữa để tới sự thực…

Nội dung những bài viết Thư Gửi Bạn Ta từ nhan đề đến tâm cảm chuyên chở, những bài viết ngắn mở ra những đề tài rộng khắp. Có thể là những bài viết về ngôn ngữ Việt Nam mà ông yêu mến. Có thể là chân dung những nhà văn nhà thơ mà ông yêu quí và kính trọng như Thanh Tâm Tuyền, Võ Phiến. Mà cũng có thể là những khuôn mặt ngu dốt của các lãnh tụ Cộng sản, những tội đồ dân tộc. Hay là những truyện quay quanh đời thường của người tị nạn, của những biến cố xảy ra ở trong nước. Thời sự, chính trị đi với văn học văn chương. Thơ đi với nhạc, từ nhạc Việt của dân tộc đến nhạc Anh, nhạc Pháp, nhạc Mỹ. Mỗi một bài viết mở ra những chủ đề làm nội dung phong phú và sâu sắc đầy chất trí tuệ, Nhất là những bản dịch thơ Tagore và thơ Ðường Tống. Phải nói là anh chuyển được hồn thơ xứ người thành hồn thơ của dân tộc. Ðọc thơ ngoại quốc để hiểu một cách thâm thúy đã khó huống chi chuyển dịch thành những thi bản đầy nét tình tự Việt Nam.

Những bài thơ của anh nặng chất hoài niệm và nhắc lại những kỷ niệm mà chúng ta trân quý trong đời.

Thí dụ, tôi đọc bài thơ Xa Nhà Ðọc Thơ Hạ Tri Chương. Ðọc từng dòng, dần dần những cảm giác cũ hiện về. Ở nơi chốn này, hình như không phải chỉ là những con đường của khu Ngã Sáu mà rộng khắp hơn là quê hương chúng ta. Ôi chao, những chữ Ngã Sáu, Ngã Bảy của phương trời xa xôi kia sao mang lại nhiều ấn tượng đến thế. Ðọc những câu thơ cổ để mang mang khung trời xưa để nhớ lại một thời. Còn câu chữ nào diễn tả được ngoài câu “Tôi đọc thơ ông nát cả hồn”. Hãy tưởng tượng đi, một người đã lâu lắm lưu lạc phương trời,

Bài thơ chỉ có 4 đoạn, mở ra từ giây phút tưởng tượng về sống ở chốn xưa và đóng lại vì nhớ nhung hoài niệm từ tháng ngày biệt xứ.

Có phải là tưởng tượng hay là sự thực cơn mơ mộng ấy:

“Tưởng tượng mai về khu Ngã Sáu
Chiều ra đầu ngõ đứng trông xe
Có người quen hỏi “Lâu không gặp”
Ðáp khẽ “Ði xa mới trở về”

Ðọc câu thơ cổ, tìm lại được tứ thơ mới. Ngày trở về của người thơ:

“Cũng hệt như Hồi Hương Ngẫu Thư
Tóc xanh giờ đã bạc như tơ
Tiếng quê nghe vẫn đầy âm cũ
Mà cũng lạ tai câu trẻ thơ

Ô hay tiền bối Hạ Tri Chương
Tiền bối xa quê thuở Thịnh Ðường
Sao thơ hệt chuyện bây giờ nhỉ
Thuở ấy mà sao cũng não lòng”

Từ thơ người xưa, chạnh nghĩ đến thân phận mình, nát cả hồn:

“Tôi cũng như ông đời biệt xứ
Trẻ ra đi già vẫn tha hương
Mấy chục năm buồn trên xứ lạ
Tôi đọc thơ ông nát cả hồn…”

Anh Bùi Bảo Trúc. Bây giờ anh đã ra đi, hết đời biệt xứ. Linh hồn anh có trở về lại không, thành phố Sài Gòn mà anh đã có nhiều thân thuộc. Chắc anh đã trở về căn nhà xưa, con hẻm cũ để thương mến từng ngày tháng còn cắp sách đến trường để nao nao nhớ từng cơn mưa từng chiều nắng….

Khi còn sinh tiền, Bùi Bảo Trúc làm thơ tưởng tượng. Bây giờ ông đã đi xa nhưng sự tưởng tượng vẫn còn. Ông tưởng tượng khi làm bài thơ “Gửi Căn Nhà Cũ”

Ngày Trở về. Của:

“Hãy tưởng tượng khi bước vào cuối ngõ
Căn nhà xưa rêu phong kín tường vôi
Khung cửa sắt đã bong lỗ chỗ
Chìa khóa mòn trong ổ bỗng reo vui.”

Thời gian xa cách không làm bùi ngùi. Mà trái lại, reo vui. Dù, chìa khóa đã mòn trong ổ khóa để nhắc lại một thời không thể nào quên trong ký ức.

Ðoạn tiếp theo. Cũng là từ ký ức, những câu thơ như đánh đụng vào tâm thức tưởng đã hao mòn:

“Hãy tưởng tượng trong hộp thư ngoài cửa
mấy bức thư đọng lại những năm qua
một tấm thiếp báo tin người yêu nhỏ
đã tìm ra hạnh phúc dưới trời xa.”

Hộp thư nhắc lại những nỗi đau buồn. Những lá thư báo tin một cuộc chia ly. Rồi khu vườn cũ và cây ngọc lan, bụi trúc và hàng thược dược nhắc nhở mùi thơm cơn mưa đầu mùa:

“Hãy tưởng tưỡng trong khu vườn thuở trước
Cây ngọc lan ngày đó đã ra hoa
Mấy bụi trúc và một hàng thược dược
mùi đất thơm cơn mưa nhỏ đầu mùa.”

Cũng vẫn tưởng tượng. Căn gác nhỏ nhắc đến những cơn mưa khuya dìu dặt mà những giọt buồn vương vấn giấc đêm. Chiếc giường cũ thân thiết nằm nghe tiếng gió. Nơi hò hẹn xưa nơi nhắc lại những lời tâm sự và những nét chữ tuy mờ với thời gian nhưng như vẫn đâu đây. Và:

“Hãy tưởng tượng buổi chiều ra ngồi quán
Bạn cũ tới đầy đủ mặt cố tri
Dăm ba đứa biệt tăm trong thời loạn
Ðã trở về cùng khật khưỡng vài ly

… Hãy tưởng tượng ghé vào thăm tên bạn
Bắc ghế ra ngồi đọc lại Ðường Thi
Trên căn gác năm xưa trăng vẫn sáng
Nhớ Hạc Vàng từ thuở mới bay đi”

Có phải là những giấc mơ hay chỉ là tưởng tượng. Nhưng sao đẹp quá tâm tình cho bạn cho một tuổi mới lớn học trò. Thi sĩ đã mang vào trong thơ nỗi niềm ấm áp của một thời đầy ước vọng của tuổi trẻ của những buổi khởi hành vào những cuộc rong chơi tưởng như mộng đội đá vá trời khi bước vào đời.

Những con đường cũ. Những vỉa hè xưa lát lá me non. Như nhân vật trong thơ Ðinh Hùng tung tăng những giờ trốn học. Sách vở trong tay nhưng đầy chật mộng ước trong hồn. Cậu học trò Bùi Bảo Trúc ngày xưa nay đã thành một người lớn tuổi nhưng vẫn chưa quên những cảm giác của vị ngọt nhân sinh lúc ấy. Ðời reo vui như bước chân lang thang trên vỉa phố. Quen thuộc nhưng đẫm chất tình cảm…

“Hãy tưởng tượng lại đi trên đường cũ
Những lề đường đá lát lá me non
Thời trốn học lang thang trên vỉa phố
Sách trong tay mộng ước chất đầy hồn…”

Đoạn thơ kết:

“Và tưởng tượng vừa tan cơn mộng dữ
bạn bè xưa người tình cũ về đây
căn gác nhỏ của một thời sách vở
vẫn còn nguyên – cơn ác mộng xa bay”

Trong tâm cảm của tôi khi đọc xong bài thơ lại chạnh nghĩ đến thân phận của mình. Những câu thơ gợi lại cho tôi những tiếc nhớ tuổi học trò dù sống trong một thời thế đảo điên nhưng cũng có nhiều kỷ niệm… Những con đường đến trường, những thầy xưa bạn xũ vẫn muôn đời trong ký ức không quên.

Ðọc thơ Bùi Bảo Trúc khi anh vừa ra đi cũng là giây phút cảm tạ thi sĩ đã cho đời sống những chân tình của một người tuy vẫn hoài niệm quá vãng nhưng tràn đầy giấc mơ làm đẹp cho mình làm đẹp cho đời. Dù thân phận lưu vong biệt xứ nhưng vẫn trìu mến nhìn về quê mẹ với cả tấm tình…

Thơ tình của Bùi Bảo Trúc hình như phảng phất một mùi hương của quá khứ, của những giây phút để tưởng vọng và nhớ về. Ông luôn đi tìm kiếm một điều gì xa xôi vô cùng nhưng lại gần gũi xiết bao. Những bài thơ lục bát phảng phất một mùi hương. Thí dụ bài C.A.T.1970 (một nhan đề rất riêng tư và bí mật! Có phải những câu thơ này chỉ để tặng cho chỉ có một người):

“Buổi chiều trở lại chỗ này
mùi hương đã nhạt dấu giầy đã xa
người đi bỗng chốc thoắt mà
màu son kỷ niệm nay ra nghìn trùng
vẫy tay chào những mịt mùng
người vô tận đã đi cùng sớm mai
gió buông một tiếng thở dài
lối xưa vẫn cứ hoài hoài đứng trông
nhớ nhau chiều bỗng võ vàng
thương cho ngọn cỏ bàng hoàng ngó theo”

Cũng lại là một mùi hương của mùi tóc ai trong hoi thở của mùa xuân của buổi chiều còn đọng mãi trong câu thơ lục bát:

“lẫn trong hơi thơ mùa xuân
là mùi tóc đã có lần rất quen
người đi chưa nhạt dấu chân
vẫn còn đọng mãi mùi hương buổi chiều”

Có một bài thơ mà Bùi Bảo Trúc viết như trở về những ngày tháng sinh viên mà một hình bóng lúc nào cũng chập chùng trong óc nhớ.

“Khi giọt mưa bay cuối giảng đường
Mây và tóc biếc dấu trong khăn
Bàn tay em bỗng dưng thành đá
Dòng chữ trong bài nét cũng run

Con đường cũ, ở những dốc lên
Buổi chiều níu lại những bước chân
Thương cho đôi cánh loài di điểu
Trí nhớ giờ này đã đóng băng

Ðường về ngập dưới cơn mưa tuyết
Chĩu nặng chiều trong nỗi nhớ người
Có một vì sao vừa tuẫn tiết
Gĩưa một chiều đông rất ngậm ngùi

Người đã xa, xa cả bàn tay
Mùi hương tóc ấy vẫn đâu đây
Cho thơm mãi mãi câu thơ cũ
Trong một ngày đông tuyết xuống đầy”

Một bài thơ khác của những cơn mưa. Mưa bây giờ đang rớt hạt ở đâu. Ở thành phố nào xa xưa hay chỗ đứng bây giờ:

“Rồi mưa trở lại trên đường phố
giọt nước đầu rớt xuống nơi đâu
nhớ thăm lại hàng hiên cũ ấy
của một chiều mưa đã rất xa

Mãi những giọt mưa trên mái tóc
Vẫn còn đây suốt bấy nhiêu năm
Người thì biệt tích từ hôm ấy
Cho những mùa đông bặt bóng chim

Bây giờ trở lại chiều mưa cũ
Tìm lại người trong mấy hạt mưa
Trên vai vẫn mãi hoài hơi ấm
Tiếc một mùa mưa đã rất xa…”

Nói về dịch thuật, Bùi Bảo Trúc là người tuy có căn bản Anh, Pháp ngữ vững nhưng rất cẩn trọng khi cầm bút. Anh cũng rất nghiêm khắc khi nhận thấy những sai sót của những dịch giả cẩu thả không trân trọng với chữ nghĩa. Anh không muốn sa vào hiện tượng dịch là phản, dịch là diệt. Nhất là với thi ca, nhập vào hồn thơ ngoại quốc để thành hồn thơ của mình đòi hỏi một trình độ cũng như một thái độ nghiêm chỉnh.

Tôi đọc một bài viết ”Chữ Nghĩa Chúng ta” của nhà thơ Bùi bảo Trúc phê phán dịch giả John Balaban:

“Spring Essence là nhan đề cuốn sách của John Balaban in đầu năm 2000 với những bài thơ của Hồ Xuân Hương được dịch sang Anh ngữ.

Dịch giả John Balaban là một người liều lĩnh nếu không nói là cẩu thả. Ông để lại rất nhiều lỗi khiến câu cách ngôn traduttore, traditore của người Ý, nghĩa là bản dịch thường thiếu nét trung thành đến độ phản bội tư tưởng của tác giả nguyên bản, cũng chỉ là nhận định quá nhẹ nhàng khi đọc những bản dịch tiếng Anh những bài thơ Hồ Xuân Hương của ông. Những lỗi ông để lại quá nhiều và có thể nói là không một bài nào không để lại một hai lỗi. Có những lỗi hết sức sơ đẳng khiến người đọc tự hỏi không biết những người ông ghi tên ở cuốn sách nói là đã khuyến khích và giúp ông dịch những bài thơ này có thực sự đọc bản Anh ngữ của ông không. Mà toàn là những tên tuổi, bằng cấp ghê gớm cả, không giáo sư thì cũng là tiến sĩ lại có luôn cả một nhà ngoại giao cao cấp nữa…”

Sau khi phân tích một số lỗi tượng trưng cho một số nhiều lỗi khác, anh Bùi Bảo Trúc kết luận: “Trời ơi là trời… Thôi dịch như vậy mà còn “table” cái gì thêm được nữa. Bàn (table) cái gì bây giờ? Dịch như thế không sợ Xuân Hương hiện ra sửa lưng “mấy bồ” là… “bố mày” hay sao?”

Nhưng khi chuyển ngữ thì Bùi Bảo Trúc vô cùng cẩn trọng. Ðọc bản dịch Tặng Vật Của Tình Nhân dịch từ nguyên bản Anh ngữ “The Lover’s Gift”“ của Tagore sẽ thấy được ngay điều đó.

Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã có một nhận xét khá xác đáng: “Ðọc thơ Tagore là một chuyện. Hiểu được thơ Tagore tất nhiên là một chuyện khác. Nhưng đưa thơ Tagore đến với người đọc Việt Nam bằng một thứ ngôn ngữ vừa mang tính Tagore lại vừa tràn ngập tính dân tộc, tôi nghĩ trước Bùi Bảo Trúc không có ai và sau Bùi Bảo Trúc, người viết tạp văn hay nhất Việt Nam hiện nay thật khó tìm được người thứ hai.”

Thi sĩ Tagore đã có một vị trí như thế nào trên văn đàn quốc tế mà nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã cho rằng hiểu được thơ của ông cũng đã là một thành tựu lớn của văn chương?

Rabindranath Tagore sinh ngày 7 tháng 5 năm 1861 tại Calcutta, Ấn Ðộ, qua đời ngày 7 tháng 8 năm 1941. Ông làm thơ, viết truyện ngắn, soạn nhạc,viết kịch, viết tùy bút, vẽ tranh và bất cứ lãnh vực nào cũng đều xuất sắc và tạo nhiều thành quả đáng nể. Ông được trao tặng giải Nobel Văn Chương năm 1913 và là tác giả Á Châu đều tiên đoạt giải cao quý này. Ông đưa vào văn học Bengal những tác phẩm văn chương với cách viết đặc biệt của văn phong giản dị và thoát ra được những khuôn mẫu cũ dựa trên văn chương cổ điển viết bằng Phạn văn. Ông cũng là người được ví như đại sứ của văn hóa Ấn Ðộ giới thiệu cho các nước Tây Phương và cũng là người mang văn hóa Tây Phương đi ngược về văn hóa Ấn Ðộ. Ông du học tại Anh Quốc và khi về nước cho in tập thơ Manasi bằng tiếng Bengal với những bài thơ trác tuyệt biểu lộ một thiên tài thi ca của Ấn Ðộ và của cả thế giới nữa.

Thơ của ông bằng tiếng Bengal hầu như không thể dịch sang một thứ ngôn ngữ nào khác. Ông đã tự dịch thơ mình sang Anh ngữ và sau khi ông từ trần thì một số bài đã được dịch sang Anh ngữ. Ông cũng hòan thành khoảng hơn 200 ca khúc và rất được mến chuộng tại xứ Bengal.

Trong khi sống ở vùng sông Padma, tức là một đoạn của sông Hằng, ông cho in tập thơ Sonar Tari (Chiếc Thuyền Vàng) và một số kịch bản như Chitra năm 1892. Nhưng tập thơ xuất sắc nhất của ông là tập thơ Gitanjali (Lời Dâng) do ông chuyển sang Anh ngữ và rất được tán thưởng. Ông đoạt giải Nobel văn chương với tác phẩm này.

Tập thơ Lover’s Gift gồm một số bài viết bằng Anh ngữ và một số bài bằng tiếng Bengal được chính tác giả Tagore dịch sang Anh ngữ.

Bài thơ đầu tiên của tập thơ là tác giả Tagore gửi cho đại đế Jehan trị vì nước Ấn Ðộ từ năm 1628 đến năm 1658, một thời kỳ phát triển rực rỡ của văn học nghệ thuật Ấn Ðộ. Shah Jehan xây Taj Mahal bằng đá trắng ở Agra để tưởng nhớ một cung phi mà ông rất yêu quí sủng ái. Thi sĩ Tagore đã nói hộ cho chúng ta ngôn ngữ của tình yêu rất dịu dàng đằm thắm, tuy ngôn từ giản dị nhưng lại gợi cảm và lãng mạn. Bản dịch của Bùi Bảo Trúc rất sát nghĩa nhưng vẫn lột tả được tinh thần của nguyên tác.

Bài thứ nhất của Tặng Vật của Tình Nhân là bắt đầu của chuyện kể một thiên tình sử đã vượt qua được không gian thời gian để thành bất tử với ngôn ngữ của trái tim đầy xúc cảm:

“Ðại đế Jehan, người đã mặc cho đế quyền sụp đổ nhưng ước muốn của người lại là biến giọt lệ tình thành thiên thu bất diệt.

Thời gian thật tàn nhẫn với trái tim con người. Thời gian cười cợt nhạo báng trước nỗ lực buồn nản để khắc ghi hoài kỷ niệm của trái tim.

Người đem thẩm mỹ mê hoặc, giữ lấy thời gian, vinh thăng cái chết vô hình bằng một hình thể đời đời không phai nhạt.

Niềm bí ẩn thì thầm bên tai người yêu dấu, trong u tịch của bóng đêm được tạc sâu vào sự câm nín muôn đời của đá.

Dù cho bao nhiêu vương quốc đã đổ nát, tan hoang cùng cát bụi, dù cho bao nhiêu thế kỷ đã mất theo bóng đêm, cẩm thạch vẫn ngậm ngùi thở dài, nói với những vì sao, “Ta vẫn nhớ”

“Ta vẫn nhớ” Nhưng cuộc đời thì lãng quên, vì nàng đã về nơi Vô Tận nàng thảnh thơi ra đi trong chuyến viễn hành không vướng mắc, để lại những kỷ niệm trong hình thể cô đơn của thẩm mỹ…”

Toàn tập có 30 bài thơ, là những tặng vật của Trời cho nhân loại. Như tiếng vọng của thi ca vạn thuở, đến muôn trùng không gian để lời sủng ái thành ngôn ngữ của thiên cổ dội về. Tình yêu của Tagore là trái tim tha thiết nhịp gõ nhân sinh mà nhân gian mơ hồ theo từng nhịp thở.

Bài thơ thứ XX như tiếng gọi của yêu thương, là câu hỏi để mà hỏi dù rất dễ trả lời.

“Hỡi thơ của ta, ta biết sẽ phải bán rao người ở đâu? Có chăng là nơi các bậc trí giả mơ màng khoí thuốc trong những cơn gió mát mùa hè, nơi người ta tranh luận hoài hoài rằng dầu tùy thuộc nơi thùng hay thùng tùy thuộc nơi dầu, nơi những bản thảo ố vàng cau mày trước cuộc sống tầm thường vội vã? Thơ bỗng kêu lớn. Không. Không. Không.

Thơ của ta ơi, ta biết phải bán người ở đâu? Ở chăng nơi người trọc phú của cải ngập tràn kiêu kỳ béo phệ sống trong lâu đài cẩm thạch, sách vở chất đầy trên giá, đóng bìa da, nạm chữ vàng, có gia nhân phủi bụi. Và những trang sách trinh nguyên để tặng cho vị thần tăm tối? Thơ đáp như hụt hơi. Ðừng. Xin đừng làm vậy.

Vậy thơ của ta ơi, ta phải biết bán người ở đâu? Ở chăng nơi chàng thư sinh ngồi đầu cúi gục trên trang sách hồn bay lượn trong thế giới mộng mơ của tuổi trẻ, tập văn xuôi bề bộn trên bàn và những câu thơ trốn mình trong lồng ngực? Ở đó trong sự bừa bộn bụi bậm đó, người có chịu chơi đi trốn đi tìm? Thơ của ta vẫn e lệ ngập ngừng..”

Bài thơ cuối của thi tập bài thơ thứ XXX như một hoài niệm nhẹ nhàng như những lời gió qua tai của những mơ màng trong không gian của mùa xuân vừa đến:

“Những bông hoa xuân nở bừng ra như nỗi đớn đau cuồng nhiệt của mối tình câm nín. Trong hơi thở của nụ hoa là hoài niệm của khúc ca ngày cũ. Trái tim tôi bỗng mọc ra những đọt lá xanh của đam mê. Người yêu tôi không tới nhưng bàn tay nàng đã ở trong tay tôi và tiếng nói của nàng đã đến băng ngang qua những cánh đồng thơm ngát. Ánh mắt nàng chìm sâu trong nền trời u uẩn nhưng đôi mắt nàng nay ở đâu? Những nụ hôn của nàng còn bay lượn trên không gian nhưng đôi môi ấy nay đã về đâu?”

Dịch thơ có phải là một công việc khó? Tôi đã hỏi câu ấy với nhà thơ Bùi Bảo Trúc thì được anh trả lời dịch bằng ngôn ngữ thì không khó nhưng dịch bằng hồn thơ là cả một công việc thiên nan vạn nan. Có người từ ngữ văn phạm rất giỏi nhưng nếu không có hồn thơ nhập vào thì chữ chỉ có nguyên hình chữ mà hồn thì chẳng tìm được trong thơ. Bùi Bảo Trúc dịch Tặng Vật của Tình Yêu hình như muốn ký gửi theo tâm tình của mình khi dịch sang Việt ngữ những lời thơ Tagore. Anh muốn khởi hành đi vào không gian vô tận của tình yêu mà vũ trụ là đích đến phải gặp là những cõi vĩnh hằng qua bao nhiêu biến đổi của không gian thời gian. Tìm ở bầu trời cao rộng và những vì tinh tú lóe sáng để cõi thơ mông lung kia tràn đầy mơ ước. Có phải dịch thơ như Bùi Bảo Trúc là đã sáng tác một khổ thơ tuy bắt nguồn từ nguyên bản Anh ngữ nhưng đã biến thành một áng văn Việt ngữ xúc tích và đầy chất sáng tạo…


Nguyễn Mạnh Trinh