có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 7 16, 2017

Nhà văn Trà Đóa: Triết lý về những kẻ... khó thích nghi


Nhà văn Trà Đóa

Nhiều người nhận định, nếu tập truyện ngắn Những kẻ khó thích nghi (Domino Books và NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM, quý 2/2017) của Trà Đóa xuất hiện vào thời văn chương còn được dư luận quan tâm nhiều, thì sẽ là một dấu ấn đặc biệt.


* Với tựa đề Những kẻ khó thích nghi, hẳn nhiên độc giả muốn biết: cái nhìn “khó thích nghi” xuyên suốt cả tập truyện này đến từ đâu?

- Có lẽ tôi nên bắt đầu từ một tiền đề của chủ nghĩa vị lợi: mọi thiết chế xã hội nên hướng tới việc đem lại hạnh phúc cho tối đa thành viên của nó. Một hệ quả tất yếu được rút ra: trong một xã hội, dẫu tốt đẹp đến mấy, vẫn còn một thành phần nào đó sẽ không được hạnh phúc, hay thậm chí, bất hạnh. Tôi tin là không bao giờ có những xã hội toàn hảo, may ra chỉ có những xã hội tốt đẹp.
Những câu hỏi thường ám ảnh tôi: Những kẻ kém may mắn này là ai? Tại sao họ lại bị đẩy vào tình trạng khó thích nghi như vậy? Liệu họ có ý nghĩa gì không với sự tiến bộ xã hội?

* Có phải chỉ vì sự kém may mắn đó mà các nhân vật của anh trở nên khó thích nghi đến như vậy?

- Ở đây tôi không hoàn toàn đồng nhất sự kém may mắn với sự khó thích nghi, dù sự khó thích nghi là một điểm nhìn xuất phát từ sự kém may mắn. Có những trường hợp những kẻ kém may mắn nhưng họ không thể hiện sự phản kháng nào để cải thiện sự bất hạnh của họ.

Tập truyện ngắn "Những kẻ khó thích nghi"

Ngược lại, những kẻ khó thích nghi là những kẻ có thể bất hạnh hoặc không, nhưng họ có tinh thần sẵn sàng tranh đấu để cải thiện các tình trạng bất công, các giá trị bất hảo… Sự khó thích nghi còn đến từ sự va chạm có tính phổ quát giữa tự do cá nhân với các định kiến, các thiết chế văn hóa lạc hậu của xã hội.
Bởi vậy, một xã hội mà vẫn còn những kẻ khó thích nghi thì xã hội đó vẫn còn hy vọng.

* Những nhân vật trong truyện của anh thường ít khi có tên riêng, danh xưng riêng, vì sao vậy?

- Các truyện ngắn trong tập này được viết với ý muốn tạo ra những “mẫu dạng”, tức là những phân mảnh được lặp đi lặp lại trong xã hội. Nó là của cá nhân nhưng vượt khỏi thân phận cá nhân, bởi vậy tên riêng cho nhân vật là không cần thiết.

Chẳng hạn như khi tôi viết về một anh chàng “tóc bạc sớm”, tôi muốn đi lý giải một cách hài hước cái nguyên nhân đã sinh ra hiện tượng này. Bạn thấy đó, tóc bạc sớm là một hiện tượng có tính phổ biến hiện nay, nhưng chúng ta chẳng hiểu gì về nguyên nhân đã gây ra nó cả.

* Có thể nói anh là một “cây bút bản năng”, bước vào văn chương khi tuổi đã “tứ thập nhi bất hoặc”. Vậy anh có bị hấp dẫn, hoặc thần tượng ai khi cầm bút không?

- Tôi đọc nhiều sách văn chương từ nhỏvà cũng thích nhiều, nhưng không thần tượng ai. Tôi tin nếu bạn đọc sách đủ nhiều, đến một lúc nào đó bạn sẽ có ý muốn viết một cái gì đó.


theo Như Hà


----------------------------------




Chúng ta có phải 'những kẻ khó thích nghi'?

Để nói về văn chương của Trà Đóa có lẽ cũng chỉ cần gói gọn trong hai chữ: đủ và đã.

Gọi là đủ bởi dường như khi bước vào thế giới của Những kẻ khó thích nghi, người ta khó có thể nào tìm ra được dấu vết của sự thừa thãi trên bất cứ phương diện nào. Trà Đóa khởi sự những câu chuyện của mình theo một cách rất tự nhiên, không dẫn giải dài dòng, không cầu kỳ hoa mỹ. Mọi thứ mang dáng vẻ đơn giản và gần gũi, hệt như những gì mà ta vẫn hằng được nghe bên bàn cà phê buổi sáng.

Nhưng dưới ngòi bút của anh, tất cả mọi sự vật, sự việc lại hiện lên theo một cách thú vị, biến hóa liên tục từ hiện thực sang hư ảo chỉ trong một tích tắc ngắn ngủi. Mỗi hình tượng được xây dựng nên bằng lời văn dường như cũng được đặt vào một sức sống riêng, một cuộc đời riêng.

Nói cách khác, có những khoảnh khắc mà người đọc có cảm tưởng như bản thân tác giả dường như không còn là người dẫn dắt cho câu chuyện nữa mà đã để chính câu chuyện hay hình tượng tự cất lên tiếng nói của mình.

Cũng từ cái thế đứng chênh vênh giữa hiện hữu và siêu hình trong văn chương đó, người ta mới thấy cái tài tình đến độ gần như là tuyệt kỹ của Trà Đóa trong việc đặt để mọi chi tiết vào đúng chỗ để nó có thể phát huy được hết công dụng của mình.

Dưới con mắt của đời thường, hẳn người ta không thể nào tin được những gì mà tác giả đã “vẽ” nên trong các câu chuyện: cuộc đối thoại giữa con người và một dạng chúng sinh hiện hữu ngàn năm trong kinh văn Phật giáo, chiếc máy kỳ diệu với khả năng mang đến cho con người ta mọi thứ trên đời… Thế nhưng ở Những kẻ khó thích nghi, những điều tưởng chừng như phi lý ấy lại trở nên nhịp nhàng và sống động đến không tưởng.

Quan trọng hơn hết, khi xây dựng nên vô số hình tượng mang đầy tính biểu trưng ấy, Trà Đóa cũng đồng thời “thổi” vào trong đó hơi thở của sự chiêm nghiệm và suy tư. Những ý tưởng mang đầy tính triết học thấm đẫm mỗi trang văn nhưng lại không hề gây nên cảm giác nặng nề khô cứng.

Hay nói như cách của nhà văn, dịch giả Mai Sơn, bằng tác phẩm thú vị này của mình, Trà Đóa “đã khéo léo làm giảm sự trầm trọng, khô héo của tư tưởng, luận lý bằng cách đưa chúng từ trên đền đài sách vở xuống ăn nằm với bụi đời nhân sinh”.

Tuy nhiên, không vì thế mà những câu chuyện của Những kẻ khó thích nghitrở nên đơn giản và ta có thể tiếp cận theo một cách dễ dàng hơn. Có thể gọi cuốn sách này là một mê hồn trận khổng lồ được tạo nên bởi những biểu tượng và hình ảnh lẫn những ý niệm mênh mông bất tuyệt về kiếp sống và đặc biệt là những con người dường như “rơi” ra ngoài cái nhịp điệu sinh tồn của số đông.

Nó khiến ta không thể nào hấp tấp hay hời hợt mà buộc phải đọc chậm lại với một sự chú tâm cao độ. Đôi lúc, ta có thể bất giác bật cười vì một ý niệm ngộ nghĩnh nào đó chợt lóe lên đằng sau những con chữ và ta tiếp nhận chúng với tất cả sự thích thú. Nó tựa như sự thích thú xen lẫn kinh ngạc của một đứa trẻ lần đầu được nhìn một sự vật quen thuộc trở nên lạ lẫm và dị thường qua lăng kính hiển vi.

Và cũng chính tất cả những điều đó đã tạo nên những rung động vi tế nhất, băn khoăn về những điều tưởng như đơn giản đã trôi qua trong một khoảnh khắc sống nào đó và cuối cùng đọng lại là một cảm giác thực sự “đã”. Cái “đã” của một người được “nhấp từng ngụm rượu mạnh” và rồi váng vất bởi men say.

Cuối cùng, nếu hỏi rằng văn của Trà Đóa có dễ đọc không? Không. Chắc hẳn là không. Những câu chuyện trong tập sách mỏng này như một sự cô đặc đến lạ kỳ của hàng trăm sự vật, sự việc có thể bắt gặp mỗi ngày, ở xung quanh ta. Từ đơn giản nhất đến phức tạp nhất, chân thật nhất đến phù phiếm nhất...

Trà Đóa kể về những điều rất bình thường theo một cách dị thường, mang đến cho chúng ta vô vàn suy tư. Để rồi sau khi gấp sách lại, sẽ có không ít người băn khoăn tự hỏi: Liệu chúng ta có phải là những kẻ khó thích nghi?


Trà Đóa sinh ra và lớn lên tại Quảng Nam, tốt nghiệp khoa Dược thuộc Đại học Y Dược TP.HCM và hiện tại cũng đang làm việc trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, người đàn ông 45 tuổi lại gắn bó đời sống của mình với nghiệp văn chương.

Trà Đóa bắt đầu viết văn và đăng rải rác những truyện ngắn của mình trên các website văn chương kể từ năm 2005. Cho đến nay, anh đã sở hữu cho riêng mình hơn 100 truyện ngắn thấm đẫm tính triết lý và chiêm nghiệm. Trong đó, tập sách Những kẻ khó thích nghi là sự chắt lọc 30 truyện ngắn đặc sắc và nổi bật nhất trong gia tài văn chương của anh.


Cường Nguyễn