có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 12 15, 2017

Dõi theo cuộc trường chinh chữ, nghĩa của Thiên Hà / Dương Cao Thâm



Thành công sớm, từ những năm cuối 1960’s đầu thập niên 1970’s, nhưng đa số người độc giả của nhà văn, nhà thơ Thiên Hà / Dương Cao Thâm, dường không biết rằng, trước khi nổi tiếng với một số ca khúc do cố nhạc sĩ Anh Việt Thu, soạn thành ca khúc từ thơ Thiên Hà, họ Dương đã nổi tiếng về truyện ngắn và tiểu thuyết qua một số nhật báo ở Saigon. Ông cũng được ghi nhận là người viết kịch có nét ở thời điểm vừa kể nữa. 

Cũng vậy, rất ít người đọc và yêu văn chương Thiên Hà, biết rằng, ngoài những bài thơ tình được các nhạc sĩ phổ nhạc, nhận được nhiều yêu thích từ thính giả, như “Nhớ nhau hoài”, “Gió về miền Xuôi”, “Xa dấu ngựa hồng”(1) - - Thì, vào những năm cuối thập niên 1960s khi chiến cuộc miền Nam có những chỉ dấu cho thấy đã bắt đầu leo thang, một số văn nghệ sĩ qua thơ văn, âm nhạc đã có những sáng tác cho thấy quan điểm chống chiến tranh của họ. Phải nói là nhờ sự lơi lỏng của hệ thống kiểm duyệt văn hoa thời đó, nên đã có khá nhiều sáng tác “phản chiến” ra đời trong phong trào có tính thời thượng này. 

Đó là khoảng thời gian của những bài thơ họ Dương mang hơi hướm chống chiến tranh, như bài “Chiêm bao thấy bình minh” sáng tác năm 1969:

“Nghe súng nổ đạn bay không ngớt
Tiếng khóc dưới sông, tiếng khóc trên bờ
Tiếp khóc buồn theo điệp khúc ầu ơ
Và thê thiết hơn bài ca vọng cổ”…

Cũng thế, qua bài “Đêm Dài”, họ Dương viết:

Đêm dài hai mươi năm
Mặt trời quên thức dậy
Bài ca dao Việt Nam
Mẹ buồn không muốn hát.

Đêm dài về trên sông
Cửu Long không vọng cổ
Con đò Vàm Cỏ Đông
Vắng giọng hò muôn thuở.

Đêm dài hai mươi năm
Nằm im trong giấc ngủ
Mẹ buồn hai mươi năm
Nhìn con thơ héo rũ.

Đêm dài không hơi thở
Đêm dài sao xót xa
Trâu nằm không nhai cỏ
Cánh đồng không nở hoa! 

Đêm dài ôi nhung nhớ
Đêm dài ôi đau thương
Đêm dài ôi súng nổ
Việt Nam ôi đoạn trường.

Mặt trời quên thức giậy
Đêm triền miên hãi hùng
Mẹ Việt Nam rách nát
Đau một thoáng mây hồng.

Xóm An Đông, tháng 3 – 1969


“Đêm dài hai mươi năm
Mặt trời quên thức dậy
Bài ca dao Việt Nam
Mẹ buồn không muốn hát.

“Đêm dài về trên sông
Cửu Long không vọng cổ
Con đò Vàm Cỏ Đông
Vắng giọng hò muôn thuở…”

Vẫn bằng vào tiếng nói không hoa mỹ, không cầu kỳ bí hiểm, trong bài “Mặt Trời Châu Thổ” Thiên Hà viết: 

Anh lớn lên giữa mùa thu lửa khói
Nào súng nào bom nào bạn nào thù
Mặt trời hồng như biển máu nhấp nhô
Mẹ cúi mặt anh bắt đầu tập khóc
Mẹ dạy anh phải hiền như Phật
Phải yêu loài người như yêu chính bản thân
Phải biết vui, biết buồn, biết cười, biết khóc
Lắm gian truân phải gắng chịu nhục nhằn
Từ đó tuổi thơ anh đã mất
Cánh đồng vàng gốc rạ trơ vơ
Gió chiều vắng sáo diều hun hút
Tháng ngày qua con nước lững lờ
Nhờ phù sa nuôi anh khôn lớn
Anh biết yêu và biết nói tiếng người
Chỉ có em và ánh sáng mặt trời
Và từ đó anh yêu miền châu thổ
Nghe lời mẹ anh quên đau khổ
Chịu nhục nhằn để còn thấy quê hương
Anh lớn lên giữa mùa thu lửa khói
Nào súng nào bom nào bạn nào thù
Mặt trời hồng như biển máu nhấp nhô
Mẹ cúi mặt anh bắt đầu tập khóc
Mẹ dạy anh phải hiền như Phật
Phải yêu loài người như yêu chính bản thân
Phải biết vui, biết buồn, biết cười, biết khóc
Lắm gian truân phải gắng chịu nhục nhằn
Từ đó tuổi thơ anh đã mất
Cánh đồng vàng gốc rạ trơ vơ
Gió chiều vắng sáo diều hun hút
Tháng ngày qua con nước lững lờ
Nhờ phù sa nuôi anh khôn lớn
Anh biết yêu và biết nói tiếng người
Chỉ có em và ánh sáng mặt trời
Và từ đó anh yêu miền châu thổ
Nghe lời mẹ anh quên đau khổ
Chịu nhục nhằn để còn thấy quê hương

“Anh lớn lên giữa mùa thu lửa khói
Nào súng nào bom nào bạn nào thù
Mặt trời hồng như biển sóng nhấp nhô
Mẹ cúi mặt anh bắt đầu tập khóc…”

Và, không thể mộc mạc hơn, nhưng cũng không thể tha thiết, chân thành khi bày tỏ tình yêu đất nước của mình, Thiên Hà đã cho người đọc ông câu thơ lạ:

“Nghe lời mẹ anh quên đau khổ
Chịu nhục nhằn để còn thấy quê hương”.

Đọc lại thơ Thiên Hà / Dương Cao Thâm, tôi mới thấy ngoài câu thơ “chịu nhục nhằn để còn thấy quê hương”, ông còn những câu thơ hay, bất ngờ khác như:

“Ngọn gió chiều lao xao
Chao cánh chuồn cõng nắng”

Chuồn chuồn trong nắng là hình ảnh rất phổ cập ở các vùng quê Việt Nam, nhưng khi Thiên Hà nhân cách hóa (impersonation), cho chuồn chuồn “cõng” nắng thì, với tôi đó là một hình ảnhmới, chưa từng thấy trong thơ VN. 

Cũng vậy, trong bài “Xuân trên cánh đồng tôi”, vẫn phong cách mộc mạc, dân dã, “miệt vườn”, họ Dương viết:

“bông bồn bồn bung bay trắng trời
như nhụy nắng rơi rơi”

Với tôi, đó cũng là một câu thơ mới, lạ khác của nhà thơ này.

Mặc dù tôi không biết, cũng không thể hình dung “bông bồn bồn bay trắng trời” - - Nhưng tác giả ví chúng như những…“nhụy nắng rơi” (thì) tôi e, không phải nhà thơ nào, cũng có thể có được một liên tưởng / so sánh đẹp như thế.

Từ những câu thơ…“mộc” kể trên của Thiên Hà, tôi đem lòng yêu mến những bài thơ viết về nơi chốn của ông. Chúng như trầm tích làm thành chân dung, đem phong phú tới cho cõi-giới thi ca Thiên Hà.

Tôi muốn nhắc tới bài “Yêu em – Cà Mau” (2) với những câu thơ như:

“Bóng chiều nghiêng thấp thoáng cánh cò 
biển chẳng hẹn hò
ta cứ mãi đợi chờ nhau”
(…) 
Ta chờ em
đợi gió 
gọi sương mù
mây giăng thấp cuối trời đất mũi
mây giăng thấp chưa đủ tầm tay với
nên suốt đời 
ta cứ mãi yêu nhau.”

Với tôi, tình yêu nơi chốn, tới một mức độ nào đó, cũng là một thứ tình yêu đôi lứa, như trời đất, như thiên nhiên đã mặc nhiên in bóng trong trí nhớ mang tính tương tư của mỗi con người. Tôi nghĩ, người ta có thể bẵng quên một hay những mối tình đi qua trong đời mình. Tuy nhiên, nơi chốn, dù không thường trực ở với chúng ta, nhưng thản hoặc, chúng vẫn được nhớ lại, tựa đó là một phần đời riêng, bất khả phân ly của mỗi cá nhân vậy:

“Vàng bông điên điển đồng sâu
Trắng phau mặt nước lao đao cánh cò
Từ em con sóng xa bờ
Đắng cay nỗi nhớ bơ vơ phận người
Xanh xao giọt nắng Tháp Mười
Vàng bông điên điển biển đời long đong 
Từ em cánh lá theo dòng
Hẩm hiu phận bạc giữa mông mênh chiều”
(Mùa nước nổi)

Cũng từ tình yêu nơi chốn, Thiên Hà đã tượng trưng hóa những địa phương ông sống với hoặc, đã đi qua bằng những món ăn “đặc sản” của địa phương ấy. 

Ở khía cạnh này, tôi cho họ Dương là một trong vài người người đầu tiên đem “văn hóa thực phẩm” vào trong thơ, ngay từ những năm cuối thập niên 1960:

“Trong giấc chiêm bao khát thèm nhung nhớ
Ăn gạo huyết rồng uống nước Hậu Giang
Ba khía Cà Mau, mắn đồng Châu Đốc
Chấm đọt nhãn lồng, bông súng rau lang…”

Nói tới những đặc sản của một vùng sông nước miền Nam, trong thơ Thiên Hà / Dương Cao Thâm mà không nói tới một thứ… “đặc sản” khác - - “đặc sản tinh thần” của miền Nam mà những văn, nghệ sĩ nổi tiếng chính là một phần “linh khí” của giải đất lớn lao đầy tính nhân ái này.

Một trong những “đặc sản tinh thần” của miền Nam, theo tôi, có nhà thơ Kiên Giang / Hà Huy Hà - - Tác giả bài thơ nổi tiếng: “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím”. (3) Ông được Thiên Hà chọn như một trong những đại diện đẹp đẽ nhất của sông nước miền Nam.

Tôi muốn nhắc tới bài thơ “Trái Đước Ngòi Lá Tre” của Thiên Hà, viết tặng thi sĩ Kiên Giang – Hà Huy Hà:

“Anh lớn lên giữa rừng ngập mặn
Tận cuối trời Tổ quốc mến yêu
Tiếng đầu đời biết chẳng bao nhiêu
Chỉ gói gọi hơn hai mươi chữ cái
Ghép tới ghép lui, viết xuôi viết ngược
Trên tập vỡ lòng – mẫu giấy vụn gói trà
Chữ nghiã thơm ngòi lá tre trái đước
Mực tím mồng tơi tay Mẹ pha.
(…) 
“Trái đước còn đâu, ngòi lá tre thất lạc
Như tuổi thơ phiêu bạt bốn phương trời
Mẹ đâu còn pha mực tím mồng tơi
Cho anh viết bài tình ca đất nước
Cho anh làm thơ yêu mối tình sau trước
Yêu quê hương, thương cuộc sống đời thường
Yêu buổi bình minh đang rạng với nước non
Yêu biết mấy … ngòi lá tre trái đước.
(…) 
“Từ trái đước ngòi lá tre thơ dại
Cắm vào hồn anh thẳng đứng giữa bãi bồi
Xâu đời anh từng hạt chuỗi mồng tơi
Cho em được gọi anh là thi sĩ.
Em tưởng vậy mà nào đâu phải vậy
Anh chỉ là hành khách ngu ngơ
Mải chơi trò ghép chữ thửơ ấu thơ
Để nhớ để thương một thời roi vọt.

“Chỉ có thế, và anh luôn vẫn thế
Vẫn ngây ngô cầm bút giữa đất trời
Vẫn mực mồng tơi, ngòi lá tre trái đước
Nhỏ xuống hồn anh, hóa mật cho đời!”

(Trích “Trái Đước Ngòi Lá Tre”) 

Tôi không rõ khi họ Dương viết bài thơ trên thì, thi sĩ Kiên Giang có còn tại thế? (4)

Nếu chưa “đi xa” tôi tin ông sẽ cảm động xiết bao với hai câu thơ chót: “Vẫn mực mồng tơi, ngòi lá tre trái đước / Nhỏ xuống hồn anh, hóa mật cho đời!”

Chữ, nghĩa vốn trừu tượng vậy mà khi bước vào thơ, để trở ra thành “mật cho đời” là một hóa thân quý báu của thi ca vậy. 

Nói tới thi ca của Thiên Hà / Dương Cao Thâm mà, không nhắc tới nỗ lực lặng lẽ sưu tập những sáng tác giá trị của dòng VHNT miền Nam, trải qua nhiều thời kỳ, (sau biến cố tháng 4-75), làm thành những tuyển tập mang tên “Bến Tâm Hồn – Một Thời Vang Bóng” - - Tôi cho là một khiếm khuyết khó được tha thứ. 


Để tạm kết bài viết này, dù có trong tay không nhiều lắm, thơ Thiên Hà; nhưng những bài thơ tôi có cũng tạm đủ, để tôi vẽ lại chân dung hay, lộ trình trường chinh chữ, nghĩa miệt mài của nhà thơ đa năng, đa dạng này.


Du Tử Lê
(Calif. 7-2017) 



-------------------------------------
Chú thích:

(1)Theo tài liệu của trang mạng Wikipedia-Mở thì, Anh Việt Thu tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang, sinh năm 1940 An Hữu, Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) (Khai sinh chậm một năm, sau khi về lại VN, từ Campuchia). 

Bút hiệu Anh Việt Thu có có nghĩa là "Anh của Việt Thu", tên một người em trai của ông.

Anh Việt Thu sáng tác rất sớm. Từ năm 1956, ông đã có một số tác phẩm đầu tay như Giòng An Giang, Đẹp Bạc Liêu... Từ đó cho đến lúc qua đời, ông đã sáng tác khoảng hơn hai trăm bài hát.

Đầu thập niên 1970s, cùng với một vài bằng hữu, Anh Việt Thu làm nhà xuất bản Ngạn Ngữ, chọn in một số tác phẩm, chú trọng tới gía trị văn chương…

Nhạc sĩ Anh Việt Thu qua đời ngày 15 tháng 3 năm 1975 tại Y viện Quảng Đông, Sài Gòn do bệnh hoại thận. Ông được đưa về quê an táng tại làng An Hữu, Cái Bè, Tiền Giang.

(2) Nhà thơ Thiên Hà tên thật là Dương Cao Thâm, nguyên quán ở Đầm Dơi, Cà Mau. Ông bắt đầu xuất hiện trong giới cầm bút tại Sài Gòn từ năm 1960… Thiên Hà tham gia Hội Ái hữu ký giả (1963), Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt thuộc Liên đoàn Ký giả Quốc tế (1964), Hội Văn bút (PEN 1965). Sau biến cố 30 tháng 4-1975, ông chủ trương biên tập xuất bản tủ sách “Bến Tâm Hồn - Một thời vang bóng”. Ông đã cho xuất bản rất nhiều thi phẩm và tác phẩm văn xuôi trước cũng như sau tháng 4-1975.

Cùng gia đình, Thiên Hà / Dương Cao Thâm hiện cư ngụ tại thành phố Saigon. 

(3) Về bài thơ “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” được trang mạng Wikipedia-mở, ghi nhận như sau:

“ ‘Hoa trắng thôi cài trên áo tím’ có lẽ là bài thơ nổi tiếng nhất của Kiên Giang, đã được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc. Tác giả cho biết: ‘Đây là tâm tình người trai ngoại đạo đối với cô gái có đạo. Mối tình học trò tinh khiết, ngây thơ, không nhuốm bụi trần. Năm 1944, tôi ở Cần Thơ học lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ) trường tư thục Nam Hưng/ Vốn có khiếu văn chương nên được các thầy giao cho thực hiện một tờ báo tường lấy tên là Ngày xanh. Kiên Giang biên tập bài vở và trình bày (vẽ, trang trí…), còn cô bạn Nguyễn Thị Nhiều thì nắn nót chép bài vở.Tuy mang cái tên rất dân dã nhưng Nhiều rất đẹp với khuôn mặt thanh tú và mái tóc dài ôm xõa bờ vai. Gia đình nàng theo đạo Thiên Chúa nên mỗi sáng chủ nhật nàng thường đi lễ nhà thờ Cần Thơ. Kiên Giang không theo đạo nhưng sáng chủ nhật nào cũng ‘rình’ trước cổng nhà thờ để được ‘tháp tùng’ nàng trên đường đi lễ về. ‘Yêu nhau’ chỉ có… vậy: ngoài những cái liếc mắt và những nụ cười thẹn thùng, e ấp thì hai người chẳng còn thứ gì để ‘trao đổi’ nữa cả! Tuy thế, cả hai đều cảm nhận được những tình cảm sâu kín mà họ dành cho nhau…

“Rồi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, việc học hành bị gián đoạn. Kiên Giang và bạn bè thân thiết (Nguyễn Bính, Sơn Nam), vào Khu 8, tham gia kháng chiến, và rồi ông lập gia đình trong thời gian này. Ông kể:

“‘Điều xót xa (sau này mới biết) là trong những tháng ngày loạn lạc đó, Nhiều vẫn âm thầm chờ đợi tôi. Năm 1955, nàng quyết gặp mặt tôi một lần rồi mới lấy chồng. Tình cảm ấy cứ ám ảnh tôi khôn nguôi. Tôi đưa tâm sự của hai đứa vào bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím, làm tại Bến Tre năm 1957. Ở đoạn kết có những câu: Ba năm sau, chiếc xe hoa cũ / Chở áo tím về giữa áo quan/ Chuông đạo ngân vang hồi tiễn biệt / Khi anh ngồi kết vòng hoa tang…, tôi đã 'cho' người mình thầm yêu phải chết đi, để mối tình kia còn nguyên vẹn là của riêng mình.

“Tuy nhiên, một thời gian sau tôi có dịp 'gặp lại cố nhân' ở Sóc Trăng (lúc này đã có chồng). Sau cuộc gặp gỡ đó, tôi lại muốn mình (người bạn trai trong bài thơ) chết đi để bảo vệ quê hương, không còn vương vấn mối tình thuở học trò. Tôi đã sửa lại đoạn kết như thế ở Hàng Xanh (Gia Định năm 1958), nhưng hầu như bạn đọc chỉ thích giữ nguyên tác, nhất là khi nó được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ thành ca khúc thì bài thơ lại càng nổi tiếng, lan tỏa… Trong thơ là thế nhưng sự thật ngoài đời chẳng có ai chết cả! Năm 1977, chúng tôi lại có dịp gặp nhau. 33 năm đã trôi qua, gặp lại, hai mái đầu đã bạc… Cả hai cố tránh không nhắc nhớ về cái thời cùng học dưới mái trường Nam Hưng, nhưng tự trong sâu thẳm tâm hồn cả hai vẫn trân trọng ‘cái thuở ban đầu lưu luyến ấy…’.” 

“Năm 1999, hãng phim TFS Đài Truyền hình thành phố Saigon, làm cuốn phim có tựa đề ‘Chiếc giỏ đời người’ (nhà thơ Kiên Giang đi đâu cũng kè kè một chiếc giỏ, mặt ngoài vẽ chi chít chữ), khi trở về Cần Thơ, quay lại cảnh trường cũ, mới hay tin là bà Nhiều mất năm 1998. Đúng là:

“ ‘Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh / Từng cài trên áo tím ngây thơ / Hôm nay vẫn đóa hoa màu trắng / Anh kết tình tang gởi xuống mồ’."

(4) Theo trang mạng Wikipedia-Mở thì, nhà thơ Kiên Giang sinh ngày 17 tháng 2 năm 1929 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, (nay thuộc tỉnh Kiên Giang). Ông là đồng hương của nhà văn Sơn Nam. Ngoài làm thơ, Kiên Giang - với nghệ danh Hà Huy Hà - còn là một soạn giả cải lương nổi tiếng thời đó, cùng với Năm Châu, Viễn Châu, Hà Triều – Hoa Phượng…

Trước 1975, Kiên Giang làm ký giả kịch trường cho nhiều tờ báo lớn của Sài Gòn. Ông từng tham gia phong trào ký giả đi ăn mày và dẫn đầu đoàn biểu tình chống lại những quy chế khắt khe do chính quyền Việt Nam Cộng Hòa áp đặt lên giới báo chí. Vì hành động này mà Kiên Giang phải vào tù…

Hồi 18 giờ ngày 31 tháng 10 năm 2014, nhà thơ Kiên Giang qua đời tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, thành phố Saigon, hưởng thọ 86 tuổi